Thành công trong việc tăng hệ số nhân giống loài lan Kim Điệp
đang có nguy cơ tuyệt chủng đã góp phần quan trọng bảo tồn nguồn gene
của loài lan quý hiếm này; đồng thời, tạo ra nguồn nguyên liệu quan
trọng ban đầu cho quá trình sản xuất hoa lan Kim Điệp góp phần phát
triển kinh tế.
Quy trình được bắt đầu thực hiện khi quả
lan Kim Điệp ba tháng tuổi thu hái từ cây tự nhiên, rồi ngâm vào nước
xà phòng loãng và rửa kỹ dưới dòng nước chảy. Khử trùng quả lan bằng cồn
70% trong hai phút và rửa lại năm lần bằng nước cất vô trùng.
Lan kim diệp
Trong vòng hai tuần đầu, hạt lan được
nuôi cấy mô sẽ chuyển sang màu nâu vàng và bắt đầu trương lên. Từ ba đến
bốn tuần tiếp theo, hạt lan tiếp tục trương to và đâm chồi, sau khi
được nuôi cấy trong môi trường có nồng độ chất kích thích sinh trưởng
vừa phải.
Sau đó, chồi được tách riêng rẽ và cấy
trong môi trường để tạo rễ. Đến khi cây con tái sinh hoàn chỉnh, cao từ
3cm đến 4,5cm và có từ hai đến năm rễ thì được chuyển từ phòng nuôi cấy
ra ngoài môi trường tự nhiên có đủ điều kiện để cây thích nghi dần. Và
khi chuyển cây con ra khỏi bình nuôi cấy cần rửa sạch môi trường, cắt
ngắn rễ và nhúng vào dung dịch sát khuẩn.
Cây con cần được trồng trên giá thể rêu
nước và dương xỉ, che ánh sáng khoảng 50% và tưới nước phun sương. Hai
tuần sau đó, cây con sẽ bắt đầu hình thành rễ mới và hình thành lá sau
ba tuần tuổi. Ở vườn ươm ngoài tự nhiên, tỷ lệ cây lan Kim Điệp giống
sống đạt đến gần 91%.
Theo các nhà nghiên cứu, Kim Điệp là
loài lan rừng phân bố chủ yếu ở vùng Tây Nguyên của Việt Nam. Lan Kim
Điệp có hoa lớn, màu vàng tươi.
Tuy nhiên, lan Kim Điệp đang thuộc nhóm
nguy cấp và đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Nguyên nhân là do hạt lan
Kim Điệp phát triển rất kém ngay cả khi đã chín. Đồng thời, hạt lại phụ
thuộc vào sự nhiễm nấm và phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện tự nhiên để
nảy mầm.
Mặt khác, lan Kim Điệp rất quý hiếm, nên
người dân đã khai thác quá mức, cùng với diện tích rừng ngày càng bị
thu hẹp... đã làm cho nguồn gene loài lan này ngày càng cạn kiệt.