>> Xuất hiện đàn chim “lạ” gần Công trình thủy điện Lai Châu
|
Đàn cò nhạn di cư đến Lai Châu để tìm kiếm thức ăn. Ảnh: TTXVN. |
Đàn chim di cư đến địa bàn hai xã Mường Tè, Mường Mô
của huyện biên giới Mường Tè đã hơn tuần nay. Chúng có chân dài, nhỏ, mỏ
nhọn dài, lông màu xám, sải cánh rộng.
Giáo sư Phạm Bình Quyền, Tổng thư ký Hội bảo vệ thiên
nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) cho biết, đó là loài cò nhạn, còn
được gọi là cò ốc, vì nó hay ăn ốc, thuộc họ Hạc, tên khoa học là Anastomus oscitans.
"Loài này nằm trong sách đỏ Việt Nam ở mức nguy cấp, vì nguy cơ tuyệt chủng loài này rất cao", ông Quyền cho hay.
"Chúng tôi kêu gọi các cơ quan chức năng và chính
quyền địa phương cần nghiêm cấm các hoạt động xâm hại vùng trú ngụ, vùng
tìm kiếm thức ăn và các hoạt động săn bắn cò nhạn dưới bất cứ hình thức
nào", giáo sư Quyền nói.
Cò nhạn thường sống ở các nước trên khu vực Nam Á và
Đông Nam Á. Ở nước ta, cũng chỉ xuất hiện ở một vài nơi như miền Tây Nam
bộ và Tây Ninh với số lượng không nhiều. Loài cò này nặng 1-1,2 kg và
tương đối hiền lành, nên dễ bị người dân địa phương săn bắn khi chúng
kiếm ăn trên đồng ruộng.
Loài này có đặc điểm sống định cư, nhưng do vùng sinh sống và nơi tìm kiếm thức ăn thu hẹp nên chúng phải di cư tới vùng khác.
Cò nhạn sống ở các sinh cảnh khác nhau của các vùng
đất ngập nước ngọt như là hồ ao, kênh mương, sông, bải bùn ngập nước,
ruộng lúa... Thức ăn chủ yếu là các loại ốc, các động vật thuỷ sinh như
ếch, nhái, cua và côn trùng lớn.
|