Chính
phủ và các tổ chức dân sự xã hội thuộc 6 nước tiểu vùng sông Mekong mở
rộng (GMS) hôm nay tổ chức buổi hội thảo tại Hà Nội, nhằm thảo luận cách
thức thực hiện mục tiêu về một khu vực thịnh vượng và công bằng hơn
thông qua phát triển kinh tế xanh.
“Việc đầu tư vào bảo tồn đa dạng
sinh học và duy trì nguồn tự nhiên ở khu vực GMS sẽ mang lại nhiều lợi
ích, tạo ra nhiều lựa chọn hơn để tăng trưởng kinh tế, bảo vệ xã hội
khỏi thiên tai và đảm bảo tính bền vững dài hạn trước những biến đổi môi
trường mang tính toàn cầu", tiến sĩ Geoffrey Blate, cố vấn cấp cao về Bảo tồn Cảnh quan của WWF Greater Mekong cho biết.
Theo đánh giá của các chuyên gia, khu
vực tiểu vùng sông Mekong là một trong những khu vực có giá trị đa dạng
sinh học cao nhất trên thế giới. Ít nơi trên trái đất mà các liên kết
nền tảng giữa con người và sự giàu có của hệ sinh thái lại biểu hiện một
cách rõ rệt như khu vực này.
Khoảng 80% dân số phụ thuộc vào sức sản xuất của các hệ sinh thái tự nhiên như nước sạch, thực phẩm và sợi nguyên liệu.
Những tác động của con người đang khiến những loài cá quý ở sông
Mekong bị ảnh hưởng nặng nề do môi trường sống thay đổi. (Ảnh: AP)
Khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông (GMS) là một khu vực kinh tế tự nhiên bao quanh sông Mekong, với diện tích là 2,6 triệu km2 và khoảng 326 triệu dân sinh sống.
Tuy nhiên, tiến sĩ Nguyễn Văn Tài, giám
đốc Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường cho rằng, con
người đang khai thác triệt để các thành phần và các quá trình của hệ
sinh thái một cách vô tư để mang lại các lợi ích cho họ.
“Phần lớn người dân biết rõ giá trị
của ngôi nhà, chiếc xe hay công việc của họ. Nhưng giá trị của các dịch
vụ mà các hệ sinh thái mang lại là vấn đề mà chúng ta vẫn còn đang phải
tìm hiểu", ông Tài nói.
Tại cuộc họp vào tháng 7 vừa qua, Bộ
trưởng Môi trường của các nước tiểu vùng sông Mekong mở rộng đã nhận ra
rằng việc phát triển kinh tế của tiểu vùng đòi hỏi cơ sở hạ tầng sinh
thái phải được cải thiện và quản lý hiệu quả hơn để đáp ứng nhu cầu hiện
tại cũng như các nhu cầu mới về thức ăn, nước và năng lượng - là nền
tảng đối với với sự tăng trưởng kinh tế trong tương lai và sự thịnh
vượng tại khu vực.
“Hành động hướng tới một nền kinh tế
xanh đã đặt đa dạng sinh học khu vực sông Mekong vào vị trí trung tâm
và sự chuyển đổi này là thử thách lớn nhất trong thập kỷ tới", tiến sĩ Blate nói thêm.
Hội thảo sẽ diễn ra hết ngày mai, các
chuyên gia cũng sẽ xem xét các mô hình và những cơ hội hợp tác để tăng
cường hỗ trợ và khuyến khích đầu tư bền vững tại khu vực.
Với tầm nhìn hướng tới Hội nghị Liên hợp
quốc về phát triển bền vững Rio +20 tại Brazil vào tháng 6 năm tới, các
đại biểu tham dự hội thảo đã đề xuất “Lộ trình đến Rio”. Lộ trình này sẽ khái quát hóa mục tiêu về Phát triển Xanh đối với khu vực tiểu vùng sông Mekong mở rộng.