|
Ông Sáu Cúc điều khiển chiếc máy phun thuốc trừ sâu cao 30m cho rừng cao su của bà Nguyễn Thị Đẹp - Ảnh: Vũ Thanh Bình |
|
Lão nông Mai Văn Cúc - Ảnh: Vũ Thanh Bình |
"Bà
con ở đây mến phục Sáu Cúc vì ông lao động rất cần mẫn, sáng tạo mà
tính tình lại vui vẻ, gần gũi. Điều đáng quý nhất ở ông Sáu là chế được
cái máy phun thuốc hay vậy đó mà không giấu nghề, cho mọi người đến xem
vô tư, chụp ảnh, đo đạc thoải mái"
|
Ông Nguyễn Thế Thiềm (Chủ tịch Hội nông dân xã Minh Lập)
|
Mặc một chiếc quần rách, áo thun lấm lem sình lầy và nụ cười rất tươi
trên khuôn mặt dãi dầu mưa nắng, chẳng ai nghĩ ông là người đã làm ra
cái máy có thể phun thuốc trừ sâu cao tới 30m. Ông là Mai Văn Cúc, 64
tuổi, ngụ ấp 5, xã Minh Lập, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước mà mọi
người vẫn thường gọi là Sáu Cúc.
“Tại sao phải dùng máy bay?”
Giữa rừng cao su của bà Nguyễn Thị Đẹp diễn ra một cảnh tượng thật
thú vị: một chiếc máy kéo nhỏ len lỏi dưới những hàng cây, cứ đi đến đâu
là gió thổi ào ào và nước phun như mưa đến đấy. Cột nước phụt cao tận
ngọn cây, cùng với gió thổi tốc lá lên nên toàn bộ cây cao su ướt đẫm.
“Thuốc thấm đều hết cả cây, phun thuốc trừ sâu như vậy mới đã chớ!” - bà
Đẹp rất vừa lòng. Hôm ấy ông Sáu Cúc đi xịt thuốc cho vườn cao su 4ha
của bà, tiền công 400.000 đồng/ha.
Khoảng đầu năm 2010, người trồng cao su ở Bình Phước hết sức hoang
mang bởi sự xuất hiện và lan nhanh trên diện rộng của loại bệnh có tên
Corynespora (hay còn gọi là bệnh vàng lá), một loại bệnh gây rụng lá,
chồi và có thể khiến cây cao su chết. Để khắc phục căn bệnh này, cách
duy nhất có thể làm là dùng bình bơm, nối vòi xịt thuốc vào đầu sào để
đưa lên cao. Tuy nhiên, sức người có hạn trước diện tích cao su rộng
lớn, nhiều chủ vườm trở nên điêu đứng bởi tiền thuốc đắt đỏ, việc thuê
mướn nhân công không dễ dàng vì ai cũng ngại khó khăn bởi công việc vất
vả và độc hại.
Nhà có 9ha cao su 4 năm tuổi nhưng chỉ một mình quán xuyến nên ông
Sáu Cúc rất lo lắng bởi căn bệnh Corynespora đã tấn công cao su nhà
mình. Một hôm, ông Sáu đem trăn trở của mình và bà con trong ấp bày tỏ
với ông chủ tịch hội nông dân xã Nguyễn Thế Thiềm. Nhưng ông Thiềm chỉ
biết nói: “Muốn phun thuốc nhanh, hiệu quả chỉ có cách dùng máy bay...”.
Câu trả lời đã vô tình như một lời thách thức đầu óc sáng tạo của ông
Sáu. “Tại sao lại phải dùng đến máy bay mà không dùng máy... chạy? -
ông Sáu nhớ lại - Tui kêu con trai Mai Trung Lãnh chở lên Bảo tàng Lịch
sử TP.HCM để xem cánh quạt của chiếc máy bay trưng bày ở đây được thiết
kế ra sao nhưng tiếc là nó đã bị tháo mất rồi”. Nói đến đây ông Sáu cười
khà khà. Không nản, ông lại kêu con trai lên mạng tìm cho ông mấy mẫu
cánh quạt. Rồi bắt đầu mày mò, chế tạo, lắp ghép dần dần. Ông tới lui
liên tục mấy xưởng cơ khí của mấy đứa cháu họ ở Tiền Giang, Bình Dương,
đưa ra ý tưởng để thợ làm theo...
Và đúng sau sáu tháng trăn trở suy nghĩ đến “rụng hết cả tóc”, chiếc
máy phun thuốc cho cây cao su ra đời. Sản phẩm “made in Sáu Cúc” hoàn
toàn dựa trên cơ sở mày mò sáng tạo để cải tiến, lắp ghép các bộ phận,
chi tiết của các loại máy móc sẵn có trên thị trường bằng phương pháp
thủ công. Hôm ra mắt chiếc máy quả là một sự kiện lớn. “Dân ở đây đến
xem đông lắm, bít hết cả vườn nhà ông Sáu” - ông Út Ni, một người hàng
xóm, kể.
Một thùng đựng nước cỡ 500 lít, hai máy bơm nước công suất nhỏ (loại
bơm rửa xe), một máy chạy dầu D15, guồng quạt nén gió, chụp đẩy gió và
hệ thống béc phun... là các bộ phận chính tạo nên chiếc máy. Toàn bộ
được đặt gọn trong thùng xe máy cày. Máy hoạt động theo nguyên tắc bơm
và phun nước thông qua hệ thống béc, nước được đẩy lên cao nhờ sức gió
từ guồng quạt. “Điều quan trọng nhất là phải canh cho guồng quạt gió và
phun nước phối hợp nhịp nhàng với nhau để thuốc có thể thấm đều cả hai
mặt trên dưới của toàn bộ cành lá trên cây” - ông Sáu nói.
Được biết, hiện nay để phun thuốc cho 1ha cao su theo kiểu truyền
thống của bà con, phải cần đến ba lao động làm việc trong một ngày.
Trong khi chỉ cần 45 phút, chiếc máy của ông Sáu có thể giải quyết được
2ha, tính ra hiệu quả gấp cả trăm lần sức người.
Cứ chăm chỉ đi, đời sẽ không phụ mình
Thật khó tin nổi một lão nông chẳng được học hành gì lại có thể chế
tạo được một chiếc máy như vậy. Ông Sáu lại cười khà khà: “Ngày trước
lúc còn ở Cái Bè, Tiền Giang tui từng chế một cái máy ấp trứng vịt chạy
bằng quạt gió rồi. Hồi đó nhà tui chưa có điện. Không có gì khó đâu, cứ
mày mò tìm hiểu rồi chịu khó suy nghĩ một chút là sẽ làm được”. Mà ông
Sáu làm khoa học theo cái cách rất chi là... nông dân: “Hằng ngày tui
vẫn đi làm rẫy bình thường, mỗi ngày nghĩ một chút, rồi đêm về ngủ vắt
óc thêm chút nữa. Nghĩ được cái gì thì nhớ luôn trong đầu hôm sau kể lại
cho mấy người thợ. Mình đâu có làm kiểu đánh bạc, bỏ bê vườn tược
được!”.
Hiện giờ vợ và bốn người con của ông Sáu vẫn ở Tiền Giang. Còn ông
một mình lặn lội lên Bình Phước làm cao su, làm vườn từ năm 1997. Ông
Sáu cho biết hiện đã chế được bảy cái máy (sáu chiếc đã bán), chiếc sau
cùng mà ông đang dùng có cải tiến hơn về độ cao phun thuốc, nhưng ông
vẫn chưa hài lòng. “Tui đang nghiên cứu để làm sao việc mở van phun,
điều chỉnh lượng nước và độ phun cao, thấp... chỉ cần ngồi một chỗ chứ
không phải lên xuống xe như hiện nay, và lúc đó đi phun cũng không cần
người phụ nữa” - ông dự định.
Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi
Trong
cái chòi sơ sài dựng giữa vườn làm nhà ở, ông Sáu treo trang trọng hai
bằng khen. Một bằng khen do Hội nông dân huyện tặng vì “Đã có thành tích
xuất sắc trong phong trào thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”.
Bằng khen khác của UBND tỉnh vì “Đã có thành tích xuất sắc trong thực
hiện chương trình phối hợp, triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ
phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn giai đoạn
2006-2010”.
|
Từ chiếc máy ban đầu chỉ phun được độ cao khoảng 15m, chiếc thứ hai được
khoảng 17m, đến nay máy đã có thể phun đạt độ cao 30m. Tổng chi phí cho
một chiếc máy hết 14 triệu đồng, ông Sáu bán 16 triệu đồng. Có người
trên Đắk Lắk mua máy về để phun thuốc cho rẫy cà phê, lại có người từ
Bến Tre chạy lên hỏi ông Sáu xem có thể dùng máy này để phun thuốc trừ
sâu cho mấy cây dừa được không...
Tất cả khách hàng của ông Sáu đều có chung một yêu cầu rất đơn giản:
mang máy ra vườn cao su chạy thử, thấy được là lấy luôn. Ngay như chiếc
máy ông đang chạy hôm nay đã có một người ở Đắk Lắk đặt cọc. Ông Nông
Văn Thàng, một người dân ở xã Tân Thành kế bên, cũng vừa mua một cái máy
của ông Sáu để phun thuốc thuê cho bà con: “Sâu bệnh dữ quá, người ta
kêu tôi đi làm liên tục, chỉ lo không đủ sức làm thôi”.
Dù đã tiêu tốn khá nhiều công sức và tiền bạc để cho ra đời chiếc máy
đầu tiên, rồi cải tiến những chiếc tiếp theo và dự định trong tương lai
sẽ hoàn thiện hơn sản phẩm của mình, nhưng mong muốn của ông Sáu lại
thật giản đơn: “Để người nông dân trồng cao su đỡ vất vả, tốn kém trong
việc đối phó với các loại bệnh hại cây”.
Khi chúng tôi hỏi về thương hiệu, về bản quyền hay tham gia các cuộc
thi sáng tạo nhà nông, ông Sáu xua tay: “Tui già rồi, thi thố, thương
hiệu làm chi. Tên “Sáu Cúc” có trên máy là do mấy đứa cháu làm cơ khí tự
ghi lên khi tui đặt tụi nó làm guồng quạt, rồi gọi là thương hiệu vậy
thôi, chứ tui đâu tự nghĩ ra và đâu có yêu cầu”. Khi có người hỏi: “Giờ
ông có 9ha cao su bán mủ được giá, chế được mấy cái máy vừa bán vừa đi
làm cho người ta, vợ lại làm nghề ấp trứng vịt ở quê, vậy chắc ông giàu
lắm ha ông Sáu?”. Ông Sáu Cúc cười to và chỉ nói: “Cứ chăm chỉ làm việc
đi, đời sẽ không phụ mình”.
|