Sinh năm 1968 tại vùng quê nghèo thôn Nhật Tự, xã Nhật Tự, huyện Kim Bảng (Hà Nam), dù không qua một trường lớp đào tạo nào nhưng anh Trần Văn Lượng vẫn miệt mài nghiên cứu khoa học kỹ thuật và chế tạo ra nhiều sản phẩm máy công nghiệp phục vụ người dân địa phương. Sau 6 năm mày mò nghiên cứu, anh đã chế tạo thành công chiếc máy tạo bọt. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Hà Nam vẫn tồn tại nhiều nhà máy gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường, trong khi đó giá thành mà người dân mua gạch không hề rẻ. Sau nhiều năm mày mò nghiên cứu, anh Lượng đã cho ra đời chiếc máy tạo vật liệu xây dựng siêu nhẹ mà nguyên liệu chủ yếu là những phế phẩm tận dụng từ các ngành công - nông - lâm của người dân địa phương. Đến vùng quê anh, hỏi Lượng “sáng chế” không ai không biết. Đón chúng tôi là một người nông dân có nước da đen sạm, khá gầy, gương mặt thân thiện. Vừa dẫn chúng tôi tham quan xưởng chế tạo gạch, anh vừa bắt đầu câu chuyện về sản phẩm gạch siêu nhẹ do mình sáng chế ra. Như để chứng minh cho mọi người thấy, anh cầm tay quay khởi động máy và kể về ý tưởng độc đáo của mình. Trước đây gia đình anh còn khó khăn, sau khi học xong cấp ba, anh ở nhà lái xe công nông chở vật liệu xây dựng thuê. Năm 2001, anh vào quận 9, TP Hồ Chí Minh làm cho một cơ sở sản xuất bột bả ma-tít. Đầu năm 2002, anh trở về quê lập nghiệp, hàng ngày chứng kiến cảnh một người hàng xóm mày mò nghiên cứu loại vật liệu xây dựng nhẹ nhưng chưa thành công, anh Lượng quyết tâm tiếp nối ý tưởng của người hàng xóm: chế tạo ra một loại vật liệu xây dựng siêu nhẹ mà không gây ô nhiễm môi trường. Anh Lượng đang khởi động chiếc máy nhào bê tông tạo ra những viên gạch siêu nhẹ Trở về quê, ngoài việc phụ giúp bố mẹ công việc mùa vụ, anh còn làm nhiều nghề để kiếm sống. Ngoài ra, tranh thủ những lúc rảnh rỗi, anh mày mò nghiên cứu chế tạo máy sản xuất gạch. Sau bao nhiêu năm thai nghén, đến tháng 3/2006, anh Lượng đi đến quyết định thành lập công ty TNHH Hồng Giang chuyên về kinh doanh vật liệu xây dựng và anh tiếp tục ý tượng nghiên cứu của mình. Lúc đầu việc sáng chế của anh gặp rất nhiều khó khăn, anh phải bổ ra lắp lại chiếc máy tới 8 lần mới thành công, mà nguyên nhân chủ yếu của nó là tốc độ quay không theo như mong muốn của mình. Mỗi lần như vậy anh phải mua nguyên vật liệu mới để thử nghiệm lại, sau này anh đã tìm ra loại mô tơ điều khiển tốc độ quay tự động thì chiếc máy hoạt động theo đúng ý định và cho ra sản phẩm như mong muốn. Anh tâm sự: “Để có tiền nghiên cứu ra loại máy này tôi phải bán 2 chiếc xe ô tô tải, một lô đất ở. Nhiều lúc cũng thấy nản bởi chi phí quá tốn kém, thế nhưng lòng đam mê không cho phép mình từ bỏ, cộng thêm sự giúp đỡ của gia đình tôi đã làm được”. Sau 6 năm nghiên cứu, công sức của anh cũng được đền đáp xứng đáng, tháng 4/2009 viên gạch siêu nhẹ đầu tiên ra đời, có thể nổi được trên mặt nước lại cách âm, cách nhiệt, thân thiện với môi trường. Một hệ thống từ máy nhào trộn, máy tạo bọt, cho tới máy nghiền, sàng, máy đẩy vữa đều do anh Lượng nghiên cứu và chế tạo ra. Từ chiếc máy nghiền sỉ than anh cũng cải tiến lại để chạy êm và bền hơn, không gây ô nhiễm môi trường. Loại vật liệu để chế tạo sản phẩm gạch xây dựng siêu nhẹ của anh Lượng được làm từ phế phẩm như: Lõi ngô, thân cây ngô, rơm, bã mía, xơ dừa, trấu hay các loại mùn cưa, gỗ vụn, xi măng… Một trong những yếu tố quan trọng của loại vật liệu siêu nhẹ này đó chính là chất tạo bọt. Anh đã phải mất rất nghiều thời gian để nghiên cứu ra, nó được làm từ da động vật, nhựa cây và một số chất tạo bọt khác. Những viên gạch to có thể nhấc lên nhẹ nhàng bằng 1 tay Những viên gạch to, lớn, bền và có vẻ nặng nhưng khi thả thả xuống nước lại nổi bồng bềnh như xốp, đó là ưu điểm nổi bật của sản phẩm độc đáo của anh Lượng. Một khối bê tông thường nặng 2,7 tấn, nhưng với một khối bê tông siêu nhẹ này chỉ có 3 tạ, không hề thấm nước, lại rất nhanh khô sau 15 - 25 giờ đồng hồ, vật liệu siêu nhẹ này có thể dùng để xây dựng nhiều công trình lớn, nhỏ…Từ những tính năng của vật liệu siêu nhẹ, công ty của anh Lượng sản xuất các loại vật liệu dùng để chống nóng, cách âm, chống cháy, gạch để xây tường và dùng để kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển. “Tôi sẽ vay thêm vốn để mở rộng cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho người dân địa phương. Thời gian tới tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để sử dụng nước lợ vào chế tạo vật liệu siêu nhẹ, nguyên liệu để sản xuất cũng rất dễ kiếm, bớt được cước phí vận chuyển thì giá thành sẽ rất rẻ, kể cả người dân nghèo cũng có thể sử dụng được”, anh Lượng bày tỏ. Cao Tuân
|