Trần Anh Tuấn là sinh viên đặc biệt của Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội. Đang là sinh viên năm cuối, thời điểm này là lúc các bạn cùng lớp đang "bò lê, bò càng" làm luận văn tốt nghiệp, vậy mà Tuấn ung dung "rong chơi".
Tôi hỏi tại sao, cậu bảo "em làm luận văn tốt nghiệp từ năm thứ 2". Sao lạ vậy nhỉ? Thấy tôi ngạc nhiên, Tuấn chỉ ra khu vườn có nhiều trái cây trước mặt, nơi có những mái tranh lúp xúp, phía dưới rải đầy cát trắng bảo: "Đấy là dự án nuôi đà điểu đầu tư hơn 1 tỷ đồng mà em báo cáo với các thầy từ năm học thứ 2. Dự án thành công, em không cần phải làm luận văn như các bạn mà được coi như đó là điểm tốt nghiệp rồi".
Nghe danh Tuấn đã lâu, vào một ngày giáp Tết, tôi không quản đường xa, trời lạnh đến trang trại nuôi đà điểu của cậu. Tôi cứ ngỡ sẽ khó gặp được ông chủ trang trại vì cậu đang bận đèn sách ở Hà Nội. Thế mà đón tiếp tôi trong trang trại rộng 15ha, tại thôn Sóc Sơn 3, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa lại là chàng sinh viên ham làm kinh tế.
Tuấn cho biết mình có "máu làm ăn" từ truyền thống gia đình. Thi đại học năm đầu không đỗ, cậu phải học "lớp 13" với quyết tâm thi vào Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Tuấn đỗ vào Khoa Quản trị kinh doanh trong sự ngỡ ngàng của một số người.
Năm học thứ nhất, Tuấn an phận là cậu học trò "sáng mài đũng quần trên giảng đường, chiều chúi mũi vào sách ở thư viện". Năm thứ 2, qua báo chí, Internet, Tuấn biết đến những mô hình chăn nuôi đà điểu ở các tỉnh Hà Tây, Khánh Hoà, Đà Nẵng…
Việc đưa và nuôi thành công loại chim khổng lồ có nguồn gốc từ châu Úc tại một số vùng trong nước ta khiến Tuấn rất ngưỡng mộ. Thịt đà điểu giá thành cao gấp 3 lần thịt bò; trứng 200.000đ/quả; da đà điểu dùng sản xuất đồ thời trang như giày, túi, ví… Xét cho cùng, con đà điểu thành phẩm chẳng phải vứt đi cái gì.
Thế là cậu lại lần mò lên Ba Vì (Hà Tây), vào Đà Nẵng… nơi có khí hậu bốn mùa rõ rệt như miền Bắc, đà điểu sống tốt. Nơi khí hậu nóng quanh năm như Đà Nẵng, Khánh Hoà đà điểu vẫn sống và sinh trưởng bình thường.
Tuấn đem ý tưởng mở trang trại nuôi đà điểu nói với bố. Hai bố con lại đi tham quan, học tập mô hình này ở một số nơi. Cuối cùng, họ quyết định mở trang trại ở khu đất đồi gò rộng 15ha của người cậu tại xã Vĩnh Hùng.
Người cậu khi biết quyết định này rất vui, vùng đồi chỉ trồng cây vải thiều, mỗi năm cho thu nhập không đáng kể có cơ hội được thay da đổi thịt. Xây tường bao, đổ cát, lợp mái gianh… là những phần việc đầu tiên trước khi đón 10 con đà điểu đầu tiên về.
Vừa nuôi, vừa học, người cậu nhanh chóng học tập được kỹ thuật nuôi đà điểu do Tuấn truyền lại. Còn Tuấn cũng được cậu dạy cho kỹ thuật do ông rút ra qua việc trực tiếp chăm sóc, nuôi nấng lũ chim đến từ sa mạc.
Từ 10 con, đến nay trang trại của Tuấn có gần 100 con lớn nhỏ. Nó là một phần thành quả lao động cùng số vốn hơn 1 tỷ đồng mà gia đình Tuấn đã đầu tư vào.
"50 con đà điểu giống này ra Tết em xuất ra Quảng Ninh. Giá mỗi con khoảng 6 triệu đồng", vừa chỉ đàn đà điểu giống, Tuấn vừa nói với tôi. Cậu còn cho biết, vị khách nọ đặt mua của cậu 300 con nhưng rất tiếc mới chỉ cung cấp được một phần nhỏ.
Hiện nay, việc cho đà điểu đẻ, ấp vẫn đang được thực hiện tại trang trại của Tuấn. Cậu hy vọng cùng với thời gian, số lượng đà điểu sẽ tăng lên nhiều. Nói về sự cầu kỳ trong việc chọn giống, cho đà điểu đẻ và ấp trứng, Tuấn bảo: "Em đố chị người công nhân đứng trong chuồng đà điểu kia đang làm gì?". Tôi nhìn theo tay Tuấn chỉ và lắc đầu. "Anh công nhân đang đợi đỡ trứng đà điểu đẻ", Tuấn nói. Tôi lại được một phen ngạc nhiên vì không ngờ lại cầu kỳ và thận trọng đến vậy.
"Trời mưa lâm thâm thế này đất ướt, tổ cũng bị ướt, nếu để trứng dính nước tỷ lệ ấp nở thành công sẽ thấp", Tuấn giải thích khi thấy sự ngạc nhiên của tôi.
Tuấn dẫn tôi vào thăm khu đặt lồng ấp. Tuy nhiệt độ bên ngoài dưới 100C nhưng nhiệt độ lồng ấp vẫn 400C. Tỷ lệ ấp thành công khoảng 60-70%. Do nhu cầu cung cấp giống lớn, việc ấp nở và nuôi con giống thành công vô cùng cần thiết bởi đây là cơ hội làm ăn rất thuận lợi.
Dự định sắp tới của Tuấn ngoài việc nuôi đà điểu thành phẩm cung cấp thịt cho thị trường, đà điểu giống cũng là một mặt hàng hứa hẹn mang lại nhiều lợi nhuận.
Tuấn cho tôi xem chiếc ví làm từ da đà điểu. Tôi thật sự ngạc nhiên khi cầm trên tay sản phẩm da thuộc này bởi màu sắc, đường vân khá đẹp. "Giá trị của nó tương đương với sản phẩm cùng loại làm bằng da cá sấu", Tuấn cho biết.
Cậu còn cho biết thêm một số sản phẩm làm từ da đà điểu như giày, ví hiện đang được bày bán ở các trung tâm thương mại, siêu thị lớn ở Hà Nội với giá thành khá cao.
Tôi hỏi về dự định của Tuấn sau khi tốt nghiệp, cậu bảo có hai khả năng. Đi làm thuê hoặc về nhà làm ông chủ trang trại. Đi làm thuê để học hỏi kinh nghiệm rồi về phát triển công ty gia đình cũng tốt.
Dù lựa chọn cách nào, cậu vẫn quyết tâm mở rộng quy mô trang trại. Cậu có tâm nguyện, mô hình trang trại nuôi đà điểu như thế này sẽ được mở rộng ngay ở quê hương mình. Việc làm này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế tại vùng đất đồi gò vốn không cho năng xuất cao từ sản xuất nông nghiệp.
Chia tay Tuấn, chúng tôi hẹn gặp lại nhau ở Hà Nội. Học đi đôi với hành như cách của Tuấn là một phương pháp hay, hy vọng các trường đại học sẽ khuyến khích sinh viên làm theo mô hình này.