Ông Hòa trước đây là giáo viên dạy môn vật lý, nay về mở một quán cơm ở Đà Lạt. Gọi chiếc đèn sáng kiến của mình là “3 trong một”, ông Hòa khẳng định đây là vật dụng dễ chế tạo cho gia đình, vừa rẻ, bền lại tiết kiệm nhiều điện năng.
|
Ông Thái Sinh Hòa với chiếc đèn tiết kiệm điện tự chế treo trên trần quán cơm nhà ông. Ảnh: Quốc Dũng |
Cấu tạo của loại đèn này khá đơn giản: chỉ dán một bộ đèn LED 12V (khoảng 20 bóng) lên một mảnh gương phản quang khổ 20 x 30cm để tăng thêm độ tỏa sáng khi sử dụng gắn trên trần nhà. Nguồn điện sử dụng để thắp sáng là điện lưới (hạ áp xuống 12V) hoặc nguồn điện DC (điện bình ắc quy) với lượng điện tiêu thụ rất ít. Bình quân một bình ắc quy 12V sẽ thắp sáng được 8 bộ bóng chiếu sáng cho căn hộ diện tích 80 m2 trong khoảng 4 đêm liền, theo kinh nghiệm của người cựu giáo viên vật lý.
Mục đích ban đầu ông Hòa nghiên cứu làm ra loại đèn này là để phục vụ quán ăn khi bị cúp điện. "Tôi chế ra nó nhân cuộc vận động tiết kiệm điện, còn chi phí kinh doanh của quán có phần tăng cao do giá điện lên, nhưng khi sử dụng thấy hiệu quả tiết kiệm điện quá tốt nên đưa vào nhà dùng cho gia đình luôn", ông Hòa thổ lộ.
Khoảng một tháng nay dùng loại đèn này tại quán và thay thế đèn một số phòng trong nhà, gia đình ông Hòa tiết kiệm được chừng một nửa tiền điện phải trả hàng tháng.
|
Cận cảnh chiếc đèn tiết kiệm điện: dãy đèn lead với tấm gương phản quang. Ảnh: Quốc Dũng |
Theo ông Hòa, chi phí để làm loại đèn này rất thấp. Ngoài bóng đèn LED giá khoảng 15.000-20 000 đồng một bộ và bình ắc quy cũ đã qua sử dụng chỉ khoảng 50.000 đồng, còn lại các thiết bị như kính, biến thế để làm ra bộ đèn “3 trong một” đều được ông tận dụng từ kho đồ phế thải của gia đình. Do đó gần như gia đình nào cũng có thể áp dụng cách làm tương tự để có được bộ đèn tiết kiệm điện cho cả nhà.
Quốc Dũng