Vỏ óc chó.
Nhóm nghiên cứu đã thay thế bột áo (thường làm từ mạt cưa, gỗ cây lồng mức) là nguyên liệu mà các cơ sở làm nhang thường sử dụng bằng các loài bột từ vỏ trấu, xơ dừa, vỏ quả óc chó. "Đây là những nguyên liệu chứa nhiều chất hữu cơ nên dễ cháy, thành phần đốt chủ yếu ra CO2 và nước, ít gây hại cho sức khỏe", Nguyễn Thị Như Quỳnh, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết. Nhóm sinh viên đã khảo sát hiện trạng sử dụng nhang của người dân TP HCM ở 6 quận, 31 chùa, 3 nhà, đồng thời tìm hiểu về loại nhang mà người tiêu dùng hướng tới. "Kết quả cho thấy, người tiêu dùng thích cây nhang có mùi thơm, thân thiện với môi trường, không có hơi khí độc, ít khói bụi, thời gian đốt lâu mà già thành lại thấp", Quỳnh nói. Sau khi so sánh ưu điểm, hạn chế của ba loại nhang từ vỏ trấu, xơ dừa và vỏ quả óc chó, các bạn sinh viên đã chọn loại nhang làm từ vỏ quả óc chó để đưa vào sản xuất với tên gọi là"Hương Xanh". Quỳnh phân tích, vỏ óc chó có giá thành rẻ, dễ thu gom từ các nhà máy sản xuất nhân của quả, nhang làm từ nguyên liệu này cháy lâu hơn nhang thường. Theo tính toán của nhóm, lượng chất thải rắn của cây nhang mới thải ra cũng ít hơn so với cây nhang ban đầu 0,085g. Nếu cùng đem đốt 10g thì loại nhang làm từ vỏ quả óc chó thải ra 0,168g, còn loại nhang thường sẽ thải ra 0,253g. "Các thông số như CO2 - một trong những nhân tố chính gây hiệu ứng nhà kính, benzen và toluene - những chất có thể gây ung thư - của nhang mới đều ít hơn so với nhang thường", Quỳnh nói thêm. Theo con số mà nhóm đưa ra, nếu sử dụng sản phẩm nhang mới đến năm 2020 sẽ tiết kiệm được khoảng 800 tỷ VNĐ. Đề tài "Sản xuất một vài loại nhang thân thiện với môi trường” lọt vào vòng chung kết Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka lần thứ 13 năm nay. |