Nhà nổi chống lũ. Mùa mưa đang đến, đồng nghĩa với mùa lũ về. Người dân miền Trung và khu vực đồng bằng sông Cửu Long lại đang lo chống lũ. Mỗi năm 2 khu vực này hứng chịu hàng chục cơn bão, ngập lụt, nước trắng đồng, trắng nhà. Những ngôi nhà chìm trong biển nước, người dân không thể sinh hoạt trong nhà, phải đi sơ tán, cuộc sống bấp bênh như con nước.
Nhà nổi chống lũ và nhà sáng chế Phan Trọng Hoàn Có một giải pháp cho ngôi nhà nổi chống lũ của một nhà sáng chế vẫn đau đáu đi tìm lời giải cho người dân vùng lũ. Từ vỏ trấu, phế thải trong nông nghiệp vốn rất nhiều ở đồng bằng sông cửu long, kết hợp với thành phần nhựa, ông Phan Trọng Hoàn đã sản xuất thành công vật liệu nhẹ như gạch, ngói, sàn. Kết hợp tất cả những vật liệu này để xây dựng ngôi nhà nổi. Không xây móng, không cần vữa, thời gian lắp ghép chỉ trong 3-5 ngày. Đó là những ưu điểm nổi bật của ngôi nhà. Đặc biệt, nhà ở vùng lũ sẽ có thiết kế phần nền nhà đặc biệt có các vật liệu nổi, giúp ngôi nhà nổi lên theo con nước lên xuống mà không bị chòng chành hay di chuyển. Đây chắc chắn sẽ là giải pháp rất hữu ích cho người dân vùng lũ, để họ có thể sống chung với lũ và tiếp tục khai thác được nguồn lợi do nước mang về. Chính vì tính khả thi đó, sản phẩm đã được chọn là 1 trong 5 sáng chế xuất sắc nhất lọt vào Gala chung kết Nhà sáng chế 2013.
Giường chống hoại tử cho người nằm bất động? Hoàn thiện, thiết kế đẹp, mang tính nhân văn cao và đặc biệt là ý tưởng rất sáng tạo. Đó là những đánh giá của hội đồng giám khảo chương trình Nhà sáng chế về sản phẩm Giường chống hoại tử cho người nằm bất động của Nhà sáng chế Nguyễn Long Uy Bảo ở thành phố Hồ Chí Minh. Một vấn đề đã đặt ra từ rất lâu, nhưng hầu như từ trước đến nay chưa có một giải pháp nào thực sự hiệu quả.
Nhà sáng chế Nguyễn Long Uy Bảo bên sáng chế Giường đặc biệt cho bệnh nhân bất động Với một kết cấu hết sức thông minh là cơ cấu cài răng lược của các nan giường, sáng chế này có thể giúp người chăm sóc thay ga trải giường bệnh nhân thuận tiện dễ dàng hơn nhiều mà bệnh nhân không cần phải di chuyển chịu nhiều đau đớn. Đặc biệt, khả năng chuyển động của các nan giường giúp người bệnh không phải tiếp xúc quá lâu với một điểm nào đó, giúp giảm nguy cơ hoại tử cho những người nằm lâu ngày. Một giải pháp tưởng như rất đơn giản nhưng nhà sáng chế Nguyễn Long Uy Bảo đã ấp ủ nghiên cứu trong gần chục năm. Anh chia sẻ, khi nảy sinh ý tưởng này, anh vui mừng đến mất ăn mất ngủ cả tuần liền. Vì anh quan niệm, con người không ai tránh được quy luật sinh lão bệnh tử, chiếc giường của anh có thể giúp những người bệnh, người cao tuổi cảm thấy thoải mái hơn những khi đau ốm. Đó đã là một điều hạnh phúc. Không chỉ có ý định triển khai ở thị trường trong nước, anh còn muốn cung cấp sản phẩm cho người có nhu cầu ở nước ngoài, cũng sẽ là một thị trường rất tiềm năng.
Người am hiểu chuột nhất Việt Nam. Sáng chế Bẫy diệt chuột không cần mồi và tác giả Trần Quang Thiều Cả chục năm nghiên cứu về loài chuột, ông Trần Quang Thiều, một nông dân bình thường ở Hà Nội có lẽ là người am hiểu về chuột nhất ở Việt Nam. Thật đáng ngạc nhiên khi người nông dân ấy có thể nhớ đến hàng trăm loài chuột, tập tính đi lại, ăn uống của từng loài như thế nào. Chính vì thế, chiếc bẫy bán nguyệt của ông tuy đơn giản nhưng ông đã đặt bẫy là thành công. Không chỉ có người dân thôn Bình Vọng, Thường Tín biết tiếng ông Thiều diệt chuột. Công ty diệt chuột của ông đã đến khắp các vùng quê, phổ biến kinh nghiệm diệt chuột cho bà con để cùng bảo vệ mùa màng. Không chỉ thế, bẫy diệt chuột của ông giờ còn xuất khẩu ra nước ngoài. Mới đây ông được mời sang Campuchia để diệt chuột giúp người dân bảo vệ tài sản và hoa màu. Mỗi lần đi diệt chuột ông đều ghi nhớ. Đến nay "ông vua diệt chuột" đã diệt được hơn 40 triệu con chuột trên khắp lãnh thổ Việt Nam và một số nước bạn.
Hố ga chống triều cường Nhà sáng chế Thân Thế Hào bên sáng chế Hố ga chống triều cường Một tháng 2 lần, theo con nước lên xuống, người dân thành phố Hồ Chí Minh lại khổ sở vì triều cường. Nước triều cường vào nhà theo 3 đường, nước từ ngoài tràn vào, nước vào theo đường sình nền và đặc biệt là đường cống. Nước cống đẩy lên nhà rất bẩn và ô nhiễm. Từ trước đến nay, người dân biết, nhà quản lý biết và nhà khoa học cũng biết, nhưng cũng đành chịu bó tay? Có một nhà sáng chế đã trăn trở để tìm ra giải pháp hiệu quả hạn chế tình trạng triều cường ở thành phố Hồ Chí Minh. Ông cho rằng triều cường do nước cống dâng lên là đáng sợ và khó ngăn chặn nhất. Vì thế ông chế tạo ra hố ga, lắp đặt thêm vào hệ thống cống ở mỗi gia đình. Mỗi khi triều cường đẩy nước cống dâng lên, người sử dụng chỉ cần khóa van ga lại, nước cống không thể tràn lên nhà theo các đường ống thoát nước. Giám khảo Doãn Hà Thắng đánh giá rất cao tính khả thi của giải pháp này, vì nó giải quyết đúng, giải quyết trúng vấn đề rất nan giải của người dân thành phố Hồ Chí Minh.
Cầu kéo ghe qua đập Đất mũi Cà Mau, nơi miền quê sông nước, kênh rạch chằng chịt, đâu đâu cũng có những con đập ngăn nước mặn từ biển tràn vào. Để đi qua những con đập đó, từ trước đến nay người dân vẫn phải kéo ghe qua bằng sức người, nhiều khi thuyền chở đầy lúa gạo phải mướn thêm rất nhiều nhân công mới qua được.
Hai nhà sáng chế Đặng Ô Rê và Lê Văn Quân và sáng chế Cầu kéo ghe qua đập Có 2 người nông dân, hàng ngày chứng kiến cảnh đi lại vất vả của bà con đã nghĩ ra chiếc cầu kéo, sử dụng động cơ để kéo con thuyền qua tự động mà không cần sức người. Giải pháp hiệu quả này đến nay đã được nhân rộng ở Cà Mau, ở đâu có đập là có cầu kéo của 2 ông. Ông Đặng Ô Rê và ông Lê Văn Quân có lẽ là hai trong số những người nông dân đóng tiền cho ngân sách nhà nước nhiều nhất nhờ chiếc cầu kéo này
|