Chưa bao giờ trong chương trình Nhà sáng chế, Đinh Tiến Dũng đóng vai kẻ trộm, đột nhập vào tư gia của một nhà sáng chế. Đúng lúc, chủ nhà về...và trao cho anh chìa khóa. Vì gia chủ này đã sáng chế và lắp đặt một loại khóa riêng biệt, khóa điện tử chống trộm, nên nếu không có chủ nhà, anh Dũng khó lòng lấy lại...cặp kính để quên.
Khóa cơ khí thông thường có bộ phận điện tử chống trộm của nhà sáng chế Trần Anh Tuấn
Mở đầu chương trình Nhà sáng chế số 15 là câu chuyện rất thú vị giới thiệu vào sáng chế khóa điện tử thông minh của anh Trần Anh Tuấn tại thành phố Hồ Chí Minh. Điểm đặc biệt của sáng chế này là vẫn sử dụng được khóa cơ khí thông thường, chỉ cần gắn thêm một chốt ngăn then khóa chuyển động và bộ phận điện tử điều khiển được chốt này. Người sử dụng muốn mở khóa phải qua 2 thao tác, sử dụng điều khiển từ xa mở chốt ngăn then khóa chuyển động, rồi mới mở cửa theo cách thông thường.
Sáng chế dễ sử dụng, độ an toàn cao, chắc chắn sẽ phù hợp với nhu cầu nhiều gia đình, nhất là trong hoàn cảnh nạn trộm cắp hoành hành ngày một nhiều.
Hố ga chống triều cường.
Nhà sáng chế Thân Thế Hào.
Vấn đề ngập lụt do triều cường tại thành phố Hồ Chí Minh đã trở nên rất cấp thiết. Đỉnh triều cường ngày càng cao, khiến cho cuộc sống của người dân rất khó khăn. Nước triều cường thường dâng lên nhà theo 3 đường, đường từ cửa vào, đường sình nền và từ cống dâng lên. Người dân có thể đắp đê ngăn nước vào nhà, nhưng riêng nước triều từ cống lên rất khó ngăn chặn, lại rất hôi thối khiến người dân nhiều phen khốn khổ.
Nhà sáng chế Thân Thế Hào, nhiều lần chứng kiến cảnh triều cường ngập lụt đã sáng chế ra hố ga chống triều cường. Hệ thống này được lắp phía dưới nắp cống, nối với ống thoát nước. Khi triều cường đến, đẩy nước cống dâng lên, tràn vào nhà. Lúc này chủ nhà vặn van, khóa nắp cống lại, nước cống không thể dâng lên qua cửa xả, giúp chặn đứng triều cường.
Một giải pháp đơn giản nhưng lại có thể giúp ích cho hàng ngàn người mỗi năm vẫn phải sống chung với triều cường. Ban giám khảo cho rằng đây thực sự là một giải pháp hay, và hoàn toàn có tính khả thi ứng dụng cho từng gia đình ở thành phố Hồ Chí Minh.
Xe cho người khuyết tật 2 tay.
Từ trước đến nay người ta vẫn thấy xe lăn cho người khuyết tật chân, xe lăn cho người khuyết tật 1 tay, nhưng có khi nào bạn nghĩ đến người khuyết tật 2 tay vẫn có thể đi xe? Điều này dường như là mơ ước quá xa vời với họ.
Một cô sinh viên kiến trúc rất xinh đẹp, mang những trăn trở về những khó khăn trong cuộc sống, nhất là trong việc đi lại của người khuyết tật 2 tay vào một bản đồ án tốt nghiệp. Đó là bản đồ án nghiên cứu xe dành cho người khuyết tật cả 2 tay.
Bằng quan sát tinh tế trong cuộc sống, Đặng Thị Thu Hiền đã phát hiện ra, người khuyết tật 2 tay không thể điều khiển được xe theo cách thông thường, nhưng có thể sử dụng vai thay cho tay lái. Vì thế, chiếc xe được chế tạo với cơ cấu lái khá đặc biệt. Người sử dụng chỉ lắc nhẹ vai là có thể điều chỉnh ghế ngồi lắc theo, từ ghế ngồi chuyền động xuống 2 bánh trước, cũng đóng vai trò là bánh lái. Nhờ đó chỉ bằng đôi chân, người khuyết tật tay vẫn có thể điều khiển xe theo ý muốn.
Nhà sáng chế Đặng Thị Thu Hiền và xe giành cho người khuyết tật cả 2 tay.
Chiếc xe không chỉ là phương tiện di chuyển hiệu quả của người khuyết tật tay mà còn giúp họ cảm thấy tự tin hơn khi không còn phiền lụy đến người khác mỗi khi di chuyển. Ý nghĩa nhân văn của sáng chế đã khiến ban giám khảo Nhà sáng chế rất xúc động. Đây chắc chắn sẽ là sản phẩm rất có ý nghĩa nếu được nhân rộng.
Nhà sáng chế số 15 có sự góp mặt của 3 sáng chế thuộc 3 lĩnh vực khác nhau nhưng đều đáp ứng nhu cầu cấp thiết trong cuộc sống. Sẽ lại có một cuộc tranh luận gay cấn giữa các giám khảo để chọn ra sáng chế nào xuất sắc nhất trong chương trình.