(phatminh.com) Chỉ cần bật nắp lon nước giải khát, nước trong lon bỗng trở nên lạnh như ướp đá... Sáng chế này là của cụ Nguyễn Đăng Lương, 77 tuổi, một kỹ sư về hưu ngụ tại Đà Lạt. Ở tuổi xế chiều, cụ chỉ có mong muốn bán được sáng chế trên để đưa vào phục vụ cuộc sống.
|
|
Vốn là một kỹ sư nên khi ra đường, thấy
những người lao động làm việc cực nhọc dưới trời nắng oi bức, chưa kể
những người lính ở hải đảo, biên giới xa xôi khao khát có một lon nước
mát lạnh để uống… Cụ bỗng thấy mình cần làm một cái gì đó để không cần
tủ lạnh mà nước vẫn tự lạnh được.
Lon nước thần kỳ
Từ đó, cụ đã tham khảo 32 bằng sáng chế dạng tương tự đã có trên thế
giới. Tuy nhiên, nhược điểm của những sáng chế này là nếu đưa vào sản
xuất thì cần phải đầu tư công nghệ khá tốn kém. Vì thế, cụ phải tự mầy
mò để tìm ra công nghệ của riêng mình.
Đó là thiết kế một cụm chức năng bao gồm : một ống chứa, tồn trữ CO2
lỏng và ống bao bên ngoài dẫn hướng cho khí CO2 thoát ra để tạo độ lạnh
và “nạp” gas vào thức uống. Cụm chức năng này có kết cấu nhỏ gọn, được
gắn liền vào mặt trong của nắp bao bì. Khi sử dụng, chỉ cần mở nắp bao
bì, khí gas thoát ra sẽ làm lạnh lon nước cùng nước giải khát bên trong.
Theo cụ Lương, ước tính việc chế tạo cụm chức năng như trên sẽ có gía
thành không cao hơn giá một chiếc bật lửa gas khi xuất xưởng.
“Công nghệ này khá đơn giản, có thể ứng dụng cho nhiều dạng bao bì bằng
những chất liệu khác nhau như các loại hộp bằng nhôm, tôn tráng thiếc và
với cả những loại hộp bằng cac-tông phức hợp (loại cac-tông có ghép lớp
màng mỏng polyme-nhôm), và không chỉ riêng cho những lọai thức uống có
gas như nước ngọt, bia, soda... mà còn dùng được cho cả những loại thức
uống không có gas”, cụ Lương cho biết.
Cụ Nguyễn Đăng Lương với bằng sáng chế (Ảnh: San Thái)
Sáng chế trên của cụ đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế độc quyền vào ngày 6.1.2012.
Ước muốn bán sáng chế
Trước đó, năm 2003, cụ đã được Cục SHTT cấp bằng sáng chế cho nghiên cứu
“Hệ thống dẫn nước biển xa bờ vào vùng ven bờ để nuôi trồng thủy sản”.
Đặc biệt, vào ngày 13.9.2005, nghiên cứu “Khoang chìm quan sát sâu phía
dưới mặt nước” của cụ đã được Cơ quan Sáng chế Hoa Kỳ (USPTO) cấp bằng
sáng chế mang số US 6941883. “Nhưng cả 2 sáng chế trên của tôi đều bị
mọi người chê là khó áp dụng và không kiếm ra tiền được...”, cụ Lương
tâm sự.
Riêng với sáng chế lon nước tự làm lạnh, nhận thấy tính khả thi của
chúng ngay cả trong điều kiện ở Việt Nam, cho nên cụ mong muốn bán được
sáng chế này để phục vụ lợi ích cho mọi người.
“Nhiệt tình, có kiến thức sâu rộng về lĩnh vực công nghệ nói riêng và
một số lĩnh vực khác. Hơn nữa, ông còn có những ý tưởng, sáng kiến đầy
thiết thực với cuộc sống”. Đó là nhận xét của ông Phạm Minh Tiến, Viện
trưởng Viện Vật lý TP.HCM nói về cụ Nguyễn Đăng Lương, người đã từng
công tác ở Viện KH-CN Việt Nam trước khi về hưu.
Liệu sáng chế của cụ về lon nước tự làm lạnh có thể bán được không?
Theo đại diện một công ty sản xuất nước giải khát thì cứ vào mùa nắng
nóng, lượng tiêu thụ nước giải khát tăng gấp 3-4 lần so với mùa mưa. Còn
nhân viên tư vấn của Sàn Giao dịch công nghệ (SGDCN) TP.HCM cho biết,
sẵn sàng giúp cụ Lương bán sáng chế. Theo nhân viên này, tác giả muốn
bán sáng chế của mình chỉ cần cung cấp bản photo bằng sáng chế, hình ảnh
hay video của sản phẩm, mức giá mà tác giả mong muốn bán cho doanh
nghiệp là bao nhiêu và bán theo hình thức nào (bán hẳn hay bán quyền sử
dụng). Nếu việc mua bán thành công, doanh nghiệp sẽ trả tiền cho nhà
sáng chế theo giá do hai bên tự thỏa thuận. SGDCN TP.HCM chỉ đóng vai
trò tư vấn, hỗ trợ để hai bên đưa ra mức giá phù hợp. Đặc biệt, SGDCN sẽ
không thu bất kỳ khoản phí nào. |
|
(Nguồn:
Đất Việt Online
)
|
|
|
|