Mang trên đầu một thiết bị tạo ra những
dòng điện cực nhỏ chạy qua não có thể giúp một số người giải nhanh chóng
các câu đố toán học mà bình thường họ không thể nào làm được, các nhà
khoa học Australia cho biết.
Giáo sư Allan Snyder và Tiến sĩ Richard
Chi, thuộc Trung tâm nghiên cứu Trí tuệ thuộc Trường ĐH Sydney đã mô tả
những thí nghiệm tiến hành trên 22 người tình nguyện để xem tác chiếc “mũ sáng tạo” do hai ông phát minh có tác dụng ra sao khi họ giải “bài toán 9 điểm”.
“Bài toán 9 điểm” là một câu đố
quen thuộc: Dùng bút nối 9 điểm nằm trên một hình vuông bằng 4 đoạn
thẳng mà không được nhấc bút lên khỏi mặt giấy. Nó đòi hỏi phải nghĩ “ngoài hình vuông”, các tác giả giải thích trên Tạp chí Neuroscience Letters.
Thoạt nhìn, thấy ngay được bài toán là khó giải. Ông Snyder cho rằng:
“Nếu số người giải được chiếm 5% thì đã quá tốt. Hầu như tất cả các
công trình đã công bố cho thấy không người nào giải được bài toán đố mẹo
đơn giản này”.
Những người tình nguyện trong nghiên cứu
của hai ông được chia một cách ngẫu nhiên thành 2 nhóm, tất cả đều đội
trên đầu chiếc mũ sáng tạo (nhưng chưa bật điện) và phải giải bài toán
này trong 9 phút, chia là 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn 3 phút.
Nhà khoa học Allan Snyder
Ở một nhóm dòng điện được bật cho mũ
trong 3 phút ở giai đoạn hai (nghĩa là đã tập trung suy nghĩ trong 3
phút đầu) và nhóm kia không bật để làm đối chứng. Tất nhiên chẳng ai
biết mũ mình đội có bật điện hay không, và bật điện vào những lúc nào.
Kết quả đúng như dự kiến, không người nào giải được bài toán trong 3
phút đầu. Đội mũ mà không bật điện cũng chẳng ai giải nổi, kể cả sau 9
phút.
Nhưng ở nhóm mũ được bật điện trong 3
phút ở giai đoạn 2 thì 5 trong số 11 người (tương ứng 45% ) đã giải
thành công trong khi mũ đang bật điện hoặc ngay sau đó.
Nhà bác học trốn ở đâu?
Snyder đã bỏ ra nhiều năm nghiên cứu hiện tượng “nhà bác học ẩn náu”
- tức là ở những người mà bộ não có những trục trặc hoặc bất bình
thường lại thể hiện một số tài năng phi thường ví dụ nhìn phong cảnh
một thành phố từ máy bay chỉ một lần những về nhà đã vẽ lại được từng
chi tiết của thành phố ấy, hoặc nhớ được một số lượng khổng lồ những con
số (số điện thoại, những ngày trong lịch sử thế giới) hoặc tính nhẩm
với tốc độ nhanh khủng khiếp.
Ông tin rằng thí nghiệm với chiếc mũ sáng tạo có thể khám phá được “nhà bác học” ẩn náu bên trong tất cả chúng ta mà bình thường bị trấn áp.
"Mặc dù từ lâu chúng ta nhận thấy
rằng những người có các chấn thương còn nằm lại trên đầu, đặc biệt ở
thuỳ thái dương trái thì một thời gian sau, họ bộc lộ các khả năng thông
thái như một nhà bác học”.
"Sự va đập mạnh vào thuỳ não trái
phía trước bằng cách nào đó làm chức năng của não trái bị giảm đi và cho
phép chúng ta nhận được những kiến thức vốn thuộc sự “quản lý” của não
phải nhưng chẳng bao giờ bộc lộ", Snyder cho biết thêm.
Dòng điện siêu nhỏ
Thiết bị mà những người tình nguyện sử
dụng (tất cả những người này đều thuận tay phải) chỉ được cấp dòng điện
rất yếu, khoảng 1,5 miliampe, đi qua não trong 10 phút, phía não trái là
điện âm và phía não phải là điện dương.
"Nguồn điện được sử dụng từ một chiếc ắc quy dùng cho đèn nháy có hiệu điện thế rất thấp”,
ông cho hay. Vì thế ngay cả khi đội mũ và bật điện, hầu như không cảm
thấy gì, nếu có, chỉ là một chút buồn buồn trên da đầu, song cũng khó
nhận ra - theo lời những tình nguyện viên.
Ông Snyder nói thêm: "Không cần phải
nói tới việc chúng tôi đã thận trọng như thế nào về độ an toàn của thử
nghiệm. Tôi cũng không muốn những người tình nguyện sử dụng chiếc mũ này
liên tục”.
“Tôi có nghĩ rằng chiếc mũ sáng tạo
này sẽ là một công nghệ của tương lai hay không ư? Tôi nghĩ rằng đó hoàn
toàn là một khả năng thực tế”, giáo sư Snyder nói.