Tại hội thảo "Thành tựu và thực trạng toàn cầu cây trồng biến đổi gen" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 13/2, tiến sỹ Hàm cho biết thế giới đã tạo ra cây trồng biến đổi gen từ những năm 80 của thế kỷ 20. Đây là một công nghệ mới đòi hỏi có nhiều thời gian và đầu tư. Việt Nam mới bắt đầu đầu tư nghiên cứu từ cuối năm 2006, khoảng thời gian còn quá ít nhưng đã đạt một số thành tựu ban đầu và đã tạo ra được một số dòng cây trồng biến đổi gen đang được đánh giá ở phòng thí nghiệm.
Hiện nay, Việt Nam đang tập trung vào nghiên cứu lúa, ngô, đậu tương là những cây lương thực, thực phẩm quan trọng.
Theo các nhà khoa học, để sử dụng cây trồng biến đổi gen cần phải có quy chế khảo nghiệm và đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Khi nào Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy chế này thì cây trồng biến đổi gen trên thế giới mới bắt đầu được triển khai ở Việt Nam.
Giống lúa mới trong tuơng lai(minh hoạ)
Tiến sĩ Randy Hautea, Điều phối viên toàn cầu của Cơ quan dịch vụ quốc tế về khuyến khích ứng dụng cây công nghệ sinh học (CNSH) nông nghiệp (ISAAA), cho biết, đến năm 2009, số nước trồng cây công nghệ sinh học đã lên tới 25 nước - một kỷ lục mới so với 13 nước năm 2003. Hiện nay Burkina Faso và Ai Cập đã đưa cây trồng biến đổi gen vào canh tác.
Tổng diện tích đất trồng cây công nghệ sinh học trên toàn thế giới từ trước tới nay đạt mức 800 triệu ha. Đặc biệt, trong số 25 nước trồng cây trồng biến đổi gen, có 15 nước là các nước đang phát triển./. |