Phú Quý mong “Phong điện” Phải
mất hơn 6 tiếng đồng hồ ròng rã giữa biển khơi con tàu mới đưa chúng
tôi tiến gần huyện đảo Phú Quý. Nhìn xa xa trên đảo, những trụ tháp
turbine gió màu trắng toát, có 3 cánh quạt sải cánh, đứng sừng sững trên
ngọn đồi nhìn ra phía biển khiến ai nấy đều thích thú, cứ mong chờ sớm
đến ngày nó được quay tít mù cùng gió biển. Có
bước chân lên huyện đảo Phú Quý mới thấy cuộc sống ở đây nhộn nhịp
không khác gì đất liền. Tàu thuyền đánh bắt hải sản tấp nập neo đậu nơi
bến cảng. Chưa kể những chuyến tàu khách từ Phan Thiết ra vào đảo thường
xuyên để cung cấp nhu yếu phẩm cho người đân nơi đây. Nhìn hệ thống
truyền tải điện trải dài quanh hòn đảo, những con đường trải nhựa phẳng
phiu, san sát nhà cửa khang trang, trường học mới toanh, đông đúc xe cộ
qua lại… cũng đủ thấy đời sống trên hòn đảo này đã có nhiều phát triển.
Tuy vẫn còn nhiều gian khó nhưng Phú Quý hôm nay rất mới so với hình
dung của nhiều người khi sóng điện thoại, Internet, chảo thu sóng truyền
hình, điện… đã bao phủ đến từng hộ dân. Với gần 27.000 dân sinh sống
trên hòn đảo có diện tích vỏn vẹn 18km2 và có 1.340 phương tiện đánh bắt
(có tổng công suất 76.000CV, với hơn 5.200 lao động), hòn đảo lại cách
thành phố Phan Thiết hơn 70 hải lý về hướng Đông Nam (khoảng 120km) thì
nơi đây quả là có một sức hút hấp dẫn cực kỳ!
Ba cột phong điện ở đảo Phú Quý
Tiếp
xúc với cư dân xứ đảo, chúng tôi biết được điều ao ước lâu nay của họ
là điện 24/24h để phục vụ tiện ích sinh hoạt và giúp các ngành nghề thủ
công, dịch vụ du lịch phát triển thêm. Hơn nữa, những doanh nghiệp nhỏ
sản xuất hải sản trên đảo luôn tha thiết có đủ điện để lưu kho hàng, chế
biến, không lo thiếu điện ảnh hưởng chất lượng hải sản. Còn các doanh
nghiệp sản xuất nước đá (mặt hàng quan trọng cho tàu thuyền ra khơi đánh
bắt) cũng mong có điện cho sản xuất lúc cao điểm. Huyện
đảo này bắt đầu có điện lưới của Nhà nước từ năm 1999 do Chi nhánh điện
Phú Quý quản lý, gồm 6 tổ máy chạy bằng dầu diesel, với tổng công suất
3MW (nhưng thực tế chỉ phát huy khoảng 2/3 công suất hiện có). Với công
suất quá nhỏ chỉ đủ cung cấp điện 16 giờ/ngày, bắt đầu đóng điện từ 7h30
và ngắt vào 23h30, đã không đủ cung ứng điện cho bà con trên đảo, chỉ
đủ cho sinh hoạt. Với tốc độ gió trung
bình là 6,7m/giây, trong khi với tốc độ gió 3-4m/giây thì cánh quạt
turbine gió của “Phong điện” đã có thể quay, turbine sẽ phát điện. Đó là
điều kiện lý tưởng để làm “Phong điện” trên hòn đảo Phú Quý. Vì vậy,
khi Dự án Nhà máy Phong điện Phú Quý có công suất 6MW (theo dự kiến sẽ
sản xuất lượng điện bình quân hàng năm khoảng 25,4 triệu kWh) được được
khởi công xây dựng vào tháng 11/2010 tại hai xã Long Hải và Ngũ Phụng
thuộc huyện đảo Phú Quý, đã mang lại một ý nghĩa to lớn. Dự án này được
Tổng Công ty Điện Lực Dầu khí Việt Nam (PV Power, đơn vị thành viên Tập
đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam) giao cho đơn vị thành viên là Công ty
TNHH MTV Năng lượng tái tạo điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power RE) làm
chủ đầu tư với tổng mức vốn hơn 300 tỉ đồng. Ông
Phạm Cương, Giám đốc PV Power RE thì “đây là dự án phong điện đầu tiên
của Việt Nam sử dụng mô hình vận hành hỗn hợp gió – diesel vì vậy các
thành viên tham gia dự án (chủ đầu tư, tư vấn, liên danh nhà thầu) khi
chọn phương án thiết kế không tránh khỏi những lúng túng về giải pháp kỹ
thuật sao cho đảm bảo tính ổn định, hiệu quả trong quá trình khai thác
vận hành, tiết kiệm chi phí nhiên liệu và bảo vệ môi trường. Ông
Phạm Cương khẳng định, khi nhà máy phong điện đi vào hoạt động, những
dòng điện từ năng lượng gió sẽ hòa vào dòng điện của nhà máy điện diesel
hiện tại ở đảo, nâng công suất cung cấp lên gấp 3 lần. Nguồn điện gió
sẽ giúp tăng chất lượng đời sống cư dân trên đảo khi được sử dụng điện
24/24h mỗi ngày. “Không còn cảnh thiếu điện, các nhà máy, cơ sở sản xuất
sẽ có nhiều cơ hội phát triển và chắc chắn kinh tế của đảo sẽ mạnh hơn
nữa. Không những vậy, nó còn ý nghĩa quan trọng trong chiến lược An ninh
quốc phòng cho hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc”, ông Cương bộc bạch. Tất cả cho ngày phát điện Đối
với chủ đầu tư PV Power RE và các nhà thầu thi công Phong điện Phú Quý,
tháng 3 này trời yên biển lặng là thời điểm tốt nhất để hoàn tất nốt
15% tiến độ thi công còn lại của các công đoạn còn dở dang. Bởi
vậy, trên con đường dẫn vào “khu trung tâm” Công trình Phong điện Phú
Quý, đây là lúc “cao điểm” gấp rút hoàn thiện mạng lưới điện 22kV cho
toàn đảo và đấu nối, lắp đặt hệ thống điều khiển hỗn hợp nhằm quyết tâm
vận hành phát điện thương mại toàn bộ nhà máy phong điện vào cuối tháng 3
này. Anh Trần Huy Cương (cán bộ giám sát của PV Power RE) tận tình
hướng dẫn chúng tôi đi mục sở thị “khu trung tâm” của công trình nằm
trên một đỉnh đồi thoai thoải hướng ra biển. Công trình này có tất cả 3
trụ tháp turbine gió được lắp dựng hoàn chỉnh từ tháng 10/2011 và đang
đấu nối vận hành lên lưới điện của đảo Phú Quý. Trước đó PV Power RE đã
cho phát điện chạy thử trụ tháp turbine T3 vào ngày 14/12/2011 với công
suất phát 700kW trong thời gian 3 giờ, kết quả thử nghiệm cho thấy
turbine và nhà máy điện diesel hoạt động ổn định.
Lắp đặt thiết bị tại dự án phong điện Phú Quý
Được
biết với chiều cao của mỗi trụ tháp turbine là 60m, gồm 3 cánh quạt,
mỗi cánh dài 37m để hứng gió, đường kính khi quạt quay là 75m. Công suất
trung bình của một turbine gió tạo ra 2 MW điện. Trọng lượng của mỗi
trụ tháp nặng khoảng 175 tấn (được chia làm 4 đoạn để lắp đặt) và mỗi
cánh quạt nặng 6 tấn, trong đó riêng thân turbine nặng tới 60 tấn. Riêng
về tính năng hoạt động, với tốc độ gió trung bình 6,7m/giây ở đảo Phú
Quý rất lý tưởng để các cánh quạt turbin quay đều. Nhớ
lại gần nửa năm về trước, để đưa được chiếc sà lan chở 5.000 tấn hàng
thiết bị từ đất liền cập cảng Phú Quý (vốn có cửa cảng hẹp, luồng nước
chảy xiết, gió lớn giật mạnh, chỉ cho phép sà lan có tải trọng dưới
1.000 tấn ra vào) là một thách thức cam go. Rất may, thử thách này cũng
vượt qua được bằng sự nỗ lực hợp tác giữa chủ đầu tư, nhà thầu và chính
quyền huyện đảo. Ngoài ra, trong suốt
quá trình lắp đặt, các chuyên gia của nhà cung cấp thiết bị chính VESTAS
(Đan Mạch) đã hỗ trợ và giám sát gắt gao từng công việc một. Không
những vậy, họ còn từng bước đào tạo cho các cán bộ kỹ sư PV Power RE để
vận hành nhà máy trơn tru trong thời gian tới. Quyết định tạo bước ngoặt Lẽ
ra Dự án Phong điện Phú Quý đã hoàn thành, đưa vào vận hành gần 1 năm
về trước như dự kiến nếu như không vấp những khó khăn chung. Sau
nhiều lần trăn trở về tiến độ, cân nhắc những hạn chế của nhà thầu phụ
cung cấp thiết bị chính, để đẩy nhanh tiến độ, tháng 4/2011, chủ đầu tư
đã quyết định thay đổi nhà thầu cung cấp thiết bị chính từ IMPSA
(Argentina) sang nhà thầu VESTAS (Đan Mạch). Đánh giá thấy năng lực của
tổng thầu EPC và một vài nhà thầu phụ bộc lộ những yếu kém nhất định nên
thêm một quyết định quyết liệt của PV Power RE là thay thế ngay nhà
thầu lắp dựng thiết bị chính (từ Vinaincon bằng Công ty CP phần Dịch vụ
Cơ khí Hàng hải – PTSC M&C). Ngoài ra PVPower RE còn yêu cầu tổng
thầu điều động những người có năng lực, trách nhiệm hơn đến với công
trình. Chính những điều này đã giúp tiến độ thi công Phong điện Phú Quý
có những chuyển biến rõ rệt. Trao đổi
với chúng tôi, ông Phạm Cương chia sẻ: Quả là không đơn giản khi triển
khai một dự án điện gió – diesel vừa mới mẻ vừa nằm trên hòn đảo cách xa
đất liền cả trăm cây số, lại có thời tiết khắc nghiệt! Đó
là chưa kể trong vài năm trước đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và
5-6 nhà đầu tư tư nhân từng cân nhắc ý định triển khai Phong điện.
Nhưng vì là công trình công ích, suất đầu tư nhà máy điện gió lại quá
lớn vì mỗi MW ngốn mất số vốn đầu tư hơn 40 tỉ đồng, gần gấp 3 lần đầu
tư thủy điện, trong khi thời gian hoạt động lại không liên tục trong
năm. Hơn nữa, công suất tiêu thụ điện của huyện đảo Phú Quý lại hạn chế,
chỉ ở mức sinh hoạt gia đình và một số doanh nghiệp nhỏ. Chính vì chi
phí đầu tư bỏ ra và khả năng hoàn vốn chậm nên các doanh nghiệp lặng lẽ
bỏ ý định đầu tư. Và đó cũng là điều
mà PV Power RE băn khoăn hiện nay khi làm thế nào để Nhà máy Phong điện
Phú Quý đi vào vận hành sẽ đảm bảo được ổn định, an toàn khi khả năng
cung cấp nguồn điện sẽ vượt nhiều nhu cầu sử dụng điện trên đảo. Chính
vì thế đòi hỏi tỉnh Bình Thuận cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích,
đẩy mạnh đầu tư, mở mang sản xuất, tăng phụ tải, khai thác tốt tiềm năng
điện gió, đem lại hiệu quả cao cho nền kinh tế trên huyện đảo tiền tiêu
của Tổ quốc. |