Dự án này thành công, Nhật Bản thu được một nguồn khí đốt tự nhiên khổng lồ
Việc bơm CO2 vào lòng đất nhằm cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng
nhà kính đã được nhiều nước thực hiện, nhưng Nhật Bản là nước đầu tiên
thử nghiệm biến CO2 thành năng lượng.
Mỏ than ở ngoài khơi bán đảo Shimokita thuộc tỉnh Aomori đã được chọn
làm nơi chôn khí CO2. Ở độ sâu 2.000 – 4.000m dưới đáy biển, tầng than
đá có nhiệt lượng thấp (gọi là than non) ở khu vực này rất rộng lớn và
ở trạng thái rỗng, dễ hấp thu khí và chất lỏng.
Từ năm 2006, Cơ quan Nghiên cứu&Phát triển Hải dương Nhật Bản đã
sử dụng tàu khảo sát lòng đất “Chikyu” khoan sâu 650m dưới đáy biển. Họ
xác định có “vi khuẩn sinh khí mêtan” để biến CO2 thành mêtan.
Các nhà khoa học đã tính đến việc bơm khí CO2 xuống tầng than non này
bằng đường ống từ nhà máy nhiệt điện có thiết bị thu khí CO2, sau đó
thu khí mêtan lại để sử dụng cho nhà máy nhiệt điện đó.
Vấn đề hiện nay nằm ở khả năng của vi khuẩn sinh khí mêtan. Ở trong
lòng đất, việc chuyển đổi từ CO2 thành mêtan mất từ 100 triệu đến 10 tỷ
năm. Nhóm nghiên cứu Nhật Bản đặt mục tiêu trong vòng 3-5 năm tới sẽ
phát triển thành công kỹ thuật nâng cao năng lực của loại vi khuẩn có
thể biến CO2 thành khí mêtan trong vòng 100 năm, bằng cách sử dụng hiệu
quả chất dinh dưỡng lấy từ tầng than non.
Cơ quan Nghiên cứu&Phát triển Hải dương Nhật Bản ước tính mỗi năm
có thể bơm tới 200 tỷ tấn khí CO2, tức là gấp 100 lần lượng khí thải
CO2 của Nhật Bản, xuống tầng than non trải dài từ Đông Bắc Nhật Bản tới
vùng biển ngoài khơi tỉnh Hokkaido.
Nếu dự án này thành công, trong tương lai, Nhật Bản có khả năng vừa
giải quyết được lượng khí thải CO2, vừa thu được một nguồn khí đốt tự
nhiên khổng lồ. |