Không phải là một cuộc nghiên cứu khoa học tầm cỡ, nhưng thí nghiệm của 5 cô gái đang học lớp 9 tại trường Hjallerup (Đan Mạch) đã nhận được sự quan tâm nghiêm túc từ các nhà khoa học. 5 cô gái nói trên cũng đã được vinh danh tại hội chợ khoa học quốc gia Đan Mạch. Sóng Wi-Fi là một tác nhân ngăn cản sự phát triển bình thường của cây xanh
Ý tưởng cho thí nghiệm này xuất phát từ việc các cô gái nhận thấy họ rất khó tập chung sau khi ngủ cùng với chiếc điện thoại di động. Khi đó, các cô gái đã quyết định tìm ra nguyên nhân để làm sáng tỏ vấn đề. Vì nhà trường không có thiết bị đo sóng não nên các cô gái đã phải thực hiện một thí nghiệm khá thô sơ, đó là lên mầm các hạt giống ở 2 môi trường khác nhau và theo dõi chúng. Cụ thể, các cô gái đặt 6 khay hạt giống gần một chiếc Router đang được dùng để phát sóng Wi-Fi. Thiết bị này được cho là phát ra lượng bức xạ tương đương với một chiếc điện thoại di động. Đồng thời, các cô gái cũng đặt thêm 6 khay hạt giống tương tự ở một căn phòng khác không có thiết bị phát sóng Wi-Fi. Các cô gái đã kiểm soát chặt chẽ điều kiện nhiệt độ, ánh sáng và lượng nước ở cả 2 môi trường trong suốt thí nghiệm. Kết quả, sau 12 ngày, những hạt giống trong căn phòng không có sóng Wi-Fi đã nảy mầm và phát triển tốt, nhưng ở 6 khay còn lại thì bị ngả màu nâu, nhăn nheo, thậm chí là bị đột biến. Sau đó, các cô gái đã thực hiện lại thí nghiệm này lần thứ 2 và cũng cho kết quả tương tự. Ảnh thực tế kết quả thí nghiệm: bên trái là những hạt giống đặt gần thiết bị phát sóng Wi-Fi, bên phải là những hạt giống đặt trong căn phòng cách xa thiết bị phát sóng Wi-Fi. Tất cả đều được chăm sóc với chế độ như nhau.
Một số người cho rằng hạt giống bị khô vì sức nóng phát ra từ các thiết bị được sử dụng trong thí nghiệm, nhưng cô Kim Horsevad, giáo viên chủ nhiệm của nhóm 5 cô gái này phủ nhận điều đó. Theo cô Kim, các học sinh của cô đã rất cận thận trong việc giữ ổn định điều kiện nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng cho cả 2 môi trường giống nhau. Ngoài ra, bộ phát Wi-Fi cũng được đặt ở một ví trí thích hợp để nhiệt độ tỏa ra không làm ảnh hưởng tới các hạt giống, được xác nhận bằng cách đo nhiệt độ thường xuyên. Tuy nhiên, cô Kim cũng nói thêm rằng, có thể tồn tại một yếu tố nào đó gây nhiễu trong thí nghiệm nhưng cả cô và các học trò đều không nhận biết được. Song cô tỏ ra bất ngờ và rất tự hào với thí nghiệm trên. Ngay khi biết thông tin này, 2 nhà khoa học gồm giáo sư Olle Johanssen đang làm việc tại khoa thần kinh tại viện Karolinska (Thụy Điển), và tiến sĩ Andrew Goldsworthy đang làm việc tại trường Cao đẳng Hoàng gia (London) đã bày tỏ sự quan tâm đến thí nghiệm và cho biết có thể họ sẽ lặp lại nó trong một phòng thí nghiệm chuyên nghiệp. Có thể kết quả của thí nghiệm không phải là điều gì quá mới mẻ, bởi các nhà khoa học đã từng chứng minh bức xạ từ các thiết bị không dây như điện thoại di động, trạm PTS có thể gây hại đến sức khỏe của con người. Tuy nhiên, thí nghiệm thực tế của các cô gái đã một lần nữa khẳng định tác hại của sóng không dây đến đời sống thực vật. |