Tại hội thảo tăng cường công tác tuyên truyền bảo vệ động, thực vật hoang dã do Ban Tuyên giáo Trung ương cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức chiều 17/12, các chuyên gia nhận định Việt Nam là một trong quốc gia có đa dạng sinh học độc đáo với nhiều loại hệ sinh thái tự nhiên và động thực vật quý hiếm, với hơn 49 nghìn loài. "Nếu không bảo tồn, các nguồn tài nguyên sẽ bị khai thác quá mức, hệ sinh thái bị chia cắt và các dịch vụ môi trường cung cấp cho con người bị giảm chất lượng như nước sạch, khí sạch", bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (Tổng cục môi trường) nói. Tuy nhiên, thực tế theo bà Nhàn thì 882 loài đang bị đe dọa ở nhiều cấp độ và được liệt kê trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007. Trong đó, nhiều loài động vật đặc hữu của Việt Nam như rùa Trung Bộ, voọc mũi hếch, voọc quần đùi trắng, gà lôi lam màu trắng đang đối mặt với các mối đe dọa và nhiều loài ở mức cực kỳ nguy cấp. Sao la, một trong những loài bị đe dọa tuyệt chủng ở mức cao của Việt Nam. (Ảnh: WWF)
"Năm 2010, tê giác cuối cùng của Việt Nam đã bị giết lấy sừng, hổ, voi, sao la và nhiều loài linh trưởng khác cũng bị đe dọa tuyệt chủng", bà Nhàn nhấn mạnh. Một trong những nguyên nhân theo các chuyên gia đó là do việc khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, sinh cảnh của các loài bị thu hẹp, ô nhiễm nguồn nước và biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng tới sinh vật. Theo Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, việc tiêu thụ và buôn bán trái phép động vật hoang dã đang trở thành vấn đề cấp bách khiến số lượng loài suy giảm. Từ năm 2000 đến tháng 6 năm nay, Cục Kiểm lâm ghi nhận hơn 18.000 vụ phạm buôn bán động vật hoang dã, tịch thu gần 200 cá thể, tương đương gần 700kg. Theo ước tính, con số này chỉ chiếm 5-10% số lượng thực tế. Nhu cầu sản phẩm từ động vật hoang dã ngày càng tăng trong 20 năm qua do kinh tế phát triển, nhu cầu mua các sản phẩm xa xỉ cũng tăng theo. Không phủ nhận những nỗ lực của Chính phủ trong việc bảo vệ các loài động thực vật hoang dã khi ban hành nhiều văn bản luật, nghị định và tham gia nhiều công ước quốc tế, nhưng giới bảo tồn cho rằng, các văn bản luật của Việt Nam còn thiếu sự liên kết, gây khó hiểu và nhầm lẫn trong quá trình thực thi. "Mức phạt tối đa cho các tội danh liên quan đến động vật hoang dã là 500 triệu đến 7 năm tù, nhưng hai hình thức này rất ít được áp dụng trong thực tế", bà Nhàn cho hay. Do đó, các đại biểu đề nghị cần tăng cường khung pháp lý và chính sách, đồng thời xây dựng nhận thức về các vấn đề bảo tồn và hậu quả của tiêu thụ quá mức động thực vật hoang dã. Trước tình hình thực tế đa dạng sinh học của Việt Nam tiếp tục suy giảm, Ban Tuyên giáo Trung ương vừa soạn dự thảo hướng dẫn tuyên truyền việc thực hiện không buôn bán, tiêu dùng bất hợp pháp động thực vật hoang dã. Bà Nguyễn Thị Bích Thọ, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học, nghiệp vụ và tư liệu, Ban tuyên giáo Trung ương cho biết, nội dung tuyên truyền sẽ nhằm quán triệt đến người dân về chủ trương "bảo vệ nghiêm ngặt" động thực vật hoang dã của Đảng. Mặt khác, tạo dư luận xã hội lên án và thống nhất nhận thức về việc phải xử lý nghiêm các hành vi sử dụng lãng phí tài nguyên thiên nhiên, đốt phá rừng, gây ô nhiễm môi trường, săn bắt, tiêu thụ động vật hoang dã. Từ đó nâng cao ý thức, thái độ, hành vi tiêu dùng của mọi người. |