Theo các nhà nghiên cứu, mặc dù đã có bằng chứng từ những năm 1960 cho thấy Asprin có tác dụng chống ung thư, khi loại thuốc này đã có thể làm giảm sự lây lan của khối u ung thư trong cơ thể loài chuột, nhưng phải mất hàng chục năm nghiên cứu, phân tích các dữ liệu từ Viện Ung thư Quốc gia thông qua việc thử nghiệm Aspirin với các bệnh ung thư tuyến tiền liệt, phổi, đại trực tràng và ung thư buồng trứng, các nhà khoa học Đại học Queen mới có đủ cơ sở xác định tác dụng của Aspirin trong việc làm giảm nguy cơ mắc ung thư vùng đầu và cổ.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng lưu ý rằng Aspirin không phải có khả năng chống lại tất cả các căn bệnh ung thư có liên quan đến đầu và cổ.
Nghiên cứu vẫn đang được các nhà khoa học thực hiện nhằm xác định chính xác nguyên lý hoạt động trong cơ thể để ngăn ngừa bệnh ung thư của thành phần acetylsalicylic acid có trong thuốc.
Trước đây, tiến sĩ Nigel Carter, Giám đốc điều hành của Tổ chức Y tế Nha khoa Anh, từng cảnh báo rằng Aspirin ít có tác dụng với bệnh ung thư miệng, bởi nguyên nhân gây ra bệnh này xuất phát từ việc hút thuốc lá quá nhiều và một số thói quen chăm sóc sức khỏe thiếu lành mạnh khác.
Theo ông Carter, mỗi người không nên nghĩ rằng việc sử dụng Aspirin có thể chống lại sự nguy hiểm của bệnh ung thư miệng. Ông cho biết: "Nếu một người hút quá nhiều thuốc lá, uống rượu quá độ, không có một chế độ ăn uống đầy đủ và mắc các bệnh da liễu lây qua đường tình dục (HPV), thì việc sử dụng thuốc Aspirin sẽ không hiệu quả".
Nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học Queen cũng cho biết thêm nếu sử dụng ít nhất 75mg Aspirin mỗi ngày trong thời gian hơn 10 năm, có thể sẽ làm giảm nguy cơ đối với một số bệnh ung thư khác như ung thư đại trực tràng và thực quản, ung thư tuyến tiền liệt và một số hình thức ung thư phổi.
Theo Hiệp hội Tai Mũi Họng Canada, nước này hiện đang có khoảng 4.300 người được dự đoán là có nguy cơ mắc các bệnh ung thư vùng đầu hoặc cổ trong năm tới và khoảng 1.610 người trong số đó có thể tử vong vì căn bệnh này.