Kết quả khảo sát mới nhất do kính viễn vọng WISE thu thập được
đã xác định khoảng 4.700 tiểu hành tinh có khả năng đe dọa trái đất,
trong khi từ trước đến nay các chuyên gia chỉ mới để mắt được khoảng 400
“sát thủ”. Trong số này có không ít mục tiêu tiềm năng cho sứ
mệnh sắp tới của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), cụ thể là những
tiểu hành tinh có quỹ đạo xiên thấp xung quanh mặt trời, theo AFP. NASA
đang lên kế hoạch gửi phi hành gia đến một tiểu hành tinh để nghiên cứu
bề mặt của nó, khai thác khoáng sản và thực tập các kỹ năng cần thiết để
phá hủy thiên thể này trong trường hợp nguy hiểm. Một mục tiêu như vậy
có thể cách trái đất đến 4,8 triệu km, xa hơn sứ mệnh mà con người đã
thực hiện hơn 40 năm trước là mặt trăng, vốn chỉ cách địa cầu khoảng
384.600km.
Chương trình NEEMO huấn luyện
các phi hành gia
làm quen với điều kiện khắc nghiệt trên tiểu hành tinh
Tiểu hành tinh không phải là một đích
đến dễ chịu, do chúng di chuyển với tốc độ khoảng 80.500km/giờ xung
quanh mặt trời, lại hầu như không có trọng lực vì kích thước quá nhỏ.
Tuy nhiên, một nhóm các phi hành gia đã bắt đầu chuẩn bị cho một sứ mệnh
như vậy. Vào tháng sau, những người được chọn sẽ khởi động chương trình
huấn luyện đặc biệt để học cách vận hành các thiết bị, thực hiện các
chuyến đi bộ ngoài không gian và thu thập mẫu vật trên bề mặt tiểu hành
tinh. Tổng cộng 6 người tham gia sẽ được gửi đến căn cứ dưới nước ngoài
khơi tiểu bang Florida, nơi họ sẽ trải qua 12 ngày sống dưới độ sâu 20m
ở Đại Tây Dương nhằm mô phỏng môi trường trọng lực thấp trên một tiểu
hành tinh. Trong thời gian huấn luyện, các phi hành gia cũng sẽ thử
nghiệm thiết bị chế tạo dành riêng cho sứ mệnh đặc biệt này. Đó là một
con tàu ngầm dài 13m, rộng 6m, nơi họ sẽ ăn, ngủ theo một phần của NEEMO
(viết tắt từ chương trình Sứ mệnh môi trường khắc nghiệt của NASA).
Trước khi trồi lên mặt nước, các phi hành gia cần giảm áp ít nhất trong
12 giờ.
Giới chức NASA sẽ công bố chi tiết về
sứ mệnh đưa người lên tiểu hành tinh trong một hội nghị được tổ chức vào
cuối tháng 5 tại Nhật Bản. Trong báo cáo sẽ được trình bày tại Hội nghị
liên minh địa khoa học Nhật Bản, các chuyên gia lên kế hoạch phóng phi
thuyền không người lái được trang bị cánh tay robot thu thập mẫu vật vào
năm 2016, trước khi gửi phi hành gia vào cuối những năm 2020. Để đến
được mục tiêu như đã định, cách trái đất khoảng 4,8 triệu km, các phi
hành gia phải mất 1 năm để đi về. Họ có thể trụ lại trên một tiểu hành
tinh đến 30 ngày. Trong khi mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất là
nghiên cứu khoa học, những kỹ năng có được khi thao tác trên bề mặt tiểu
hành tinh có thể sẽ cứu được nhân loại khỏi thảm họa diệt vong, một
ngày nào đó trong tương lai. Chưa kể, đây là dịp thử nghiệm các công
nghệ cho phép con người cuối cùng đến được sao Hỏa.