Một trong những nguyên nhân nước không thể tồn tại trên sao
Hỏa ngày nay là do mật độ bầu khí quyển của hành tinh đỏ chỉ bằng 1% so
với Trái đất. Tuy nhiên, các nhà khoa học thuộc Đại học công nghệ
Georgia đã phát hiện bầu khí quyển của hành tinh đỏ từng dày gấp 20 lần
hiện nay.
Giáo sư Josef Dufek và
cộng sự đã tiến hành nghiên cứu dữ liệu về mẫu vật chất trên bề mặt
trong thời các núi lửa cổ đại trên sao Hỏa, nhờ sự trợ giúp của tàu
thăm dò Spirit được NASA phóng lên hành tinh đỏ vào năm 2007.
Nước có thể tồn tại trên sao Hỏa
trong thời kỳ mới hình thành
Các nhà khoa học đã phân tích các mảnh
đá bị bắn vào bầu khí quyển khi một núi lửa trên sao Hỏa phun trào cách
đây khoảng 3,5 tỷ năm. Với sự trợ giúp của tàu Spirit, nhóm nghiên cứu
có thể quan sát mảnh đá còn sót lại và đo kích thước, độ sâu và hình
dạng vết lún trên bề mặt tại vị trí các mảnh đá rơi xuống.
Sau đó, nhóm nghiên cứu đã tạo ra một
vết lún tương tự trên sao Hỏa bằng cách bắn các phân tử có kích thước
bằng các mảnh đá được tàu thăm dò Spirit tìm thấy trên hành tinh đỏ. Các
nhà khoa học tính toán rằng để tái tạo các vết lún, các phân tử phải
rơi trong bầu khí quyển có mật độ dày gấp 20 lần so với bầu khí quyển
của sao Hỏa ngày nay.
Điều này chứng tỏ sao Hỏa từng có bầu
khí quyển dày hơn nhiều so với ngày nay. Điều này đồng nghĩa với khả
năng bề mặt hành tinh đỏ có thể chứa nước - một trong những yếu tố quan
trọng để sự sống phát triển.
"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy
sao Hỏa trong thời kỳ đầu mới hình thành là một thế giới được bao phủ
bởi nước với bầu khí quyền dày hơn nhiều so với chúng ta biết ngày nay",
tiến sĩ Josef Dufek, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết trên Telegraph.
Một nghiên cứu trước đó cũng đã phát
hiện thấy thạch cao trên sao Hỏa - một dấu hiệu cho thấy nước đã từng
tồn tại trên hành tinh đỏ. Bởi vì thạch cao chỉ có thể hình thành khi
nước ở dưới 60 độ C.