Các nhà khoa học của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) phát
hiện nhóm vết đen nhờ dữ liệu hình ảnh mà Solar Dynamics Observatory,
phi thuyền theo dõi mặt trời của NASA gửi về. Nhóm vết đen có chiều rộng
hơn 100.000km và được đặt tên là AR 1476. Chúng xoay
về phía đối diện với trái đất vào cuối tuần trước. 4 vết đen trong nhóm
có kích thước lớn hơn địa cầu. Các nhà thiên văn nghiệp dư trên trái đất
có thể quan sát chúng bằng kính thiên văn nếu tầm nhìn của họ không bị
cản trở bởi mây, Discovery cho biết.
Hai nhóm vết đen AR 1476 và AR
1471 trên bề mặt của mặt trời.
Vết đen là những vùng tối trên bề mặt
của mặt trời. Chúng xuất hiện do biến đổi từ trường mạnh. Độ sáng của
vết đen chỉ bằng 1/4 độ sáng của vùng xung quanh. Những cơn bão mặt trời
mạnh thường xuất hiện từ những vết đen và chúng giải phóng những luồng
hạt mang điện tích vào không gian.
Giới khoa học chia bão mặt trời thành ba
cấp C, M và X, trong đó X là cấp mạnh nhất. Những cơn bão mặt trời cấp X
có thể gây nên những trận bão từ trên tầng thượng quyển của địa cầu. Sự
tương tác giữa những hạt mang điện tích từ mặt trời và từ trường trái
đất có thể làm tê liệt sóng radio. Những trận bão mặt trời cấp M có thể
gây mất tín hiệu radio ở hai vùng cực của trái đất trong khoảng thời
gian ngắn. Tác động của những cơn bão mặt trời cấp C thường rất nhỏ và
hiếm khi được phát hiện.
Spaceweather.com, một trang web về thời
tiết vũ trụ, cho biết, AR 1476 đã giải phóng một số cơn bão mặt trời cấp
C trong vài ngày qua. Những cơn bão cấp M cũng xuất hiện từ một nhóm
vết đen mặt trời khác, có tên AR 1471 vào hôm 7/5.