Không ít các nhà tiên tri về lĩnh vực thiên văn đã tung ra dự đoán thảm khốc về sự tiếp cận của sao chổi Elenin với Trái đất. Thậm chí một số người còn cho rằng Elenin chẳng phải là sao chổi gì cả mà chính là hành tinh xấu nết Nibiru, kẻ sẽ mang đến sự diệt vong cho hành tinh chúng ta.
Tuy nhiên, chẳng có lời tiên đoán nào
trở thành hiện thực. Elenin di chuyển đến điểm cách Trái đất khoảng 35,4
triệu km và sau đó biến mất trong vũ trụ sâu thẳm.
Theo các chuyên gia, sao chổi trên đã
bắt đầu vỡ ra khi dính phải bão Mặt trời vào tháng 8, và việc di chuyển
quá gần Mặt trời vào ngày 10/9 đã hầu như không còn giữ nguyên được hình
dạng ban đầu của nó. Do đó, vật thể di chuyển đến gần Trái đất hồi cuối
tuần chẳng qua chỉ còn là một đống đổ nát không hình thù.
“Hiện nó chỉ là một đám mây
hạt nhỏ di chuyển dọc theo hành trình ban đầu của sao chổi Elenin và sau
đó sẽ đi khỏi hệ mặt trời. Chúng ta sẽ không còn thấy bất cứ phân tử
nào của nó trong vòng ít nhất 12 thiên niên kỷ tới”, Space dẫn lời nhà thiên văn học Don Yeomans, thuộc Văn phòng Chương trình Vật thể gần Trái đất của NASA.
Sao chổi Elenin được phát hiện vào tháng
12/2010 do công của chuyên gia thiên văn nghiệp dư người Nga Leonid
Elenin. Thân sao chổi có bề ngang từ 3 đến 5km trước khi bị Mặt trời
thiêu đốt và rã xác.
Khoảng 2% các sao chổi mới được phát hiện bị phân hủy khi đến gần Mặt trời, chuyên gia Yeomans nói.
Khi nỗi lo về sao chổi Elenin tạm lắng
xuống, một ngày sau khi sao chổi này biến mất, Trái đất lại phải đón
tiếp 1 người khác mới. Tiểu hành tinh nhỏ được đặt tên 2009 TM8 đã đến sát Trái đất còn hơn cả Elenin.
Tảng đá không gian có kích thước cỡ xe
buýt chỉ cách Trái đất 341.000km, nghĩa là nằm trong vòng quỹ đạo của
Mặt trăng. Giống như Elenin, tiểu hành tinh 2009 TM8 sẽ chẳng đe dọa
được Trái đất, ít nhất là trong thời điểm này.