Các hành tinh nói trên, quay xung quanh ngôi sao lùn đỏ có tên KOI-961, có đường kính chỉ bằng 0,78, 0,73 và 0,57 đường kính của Trái Đất và là những hành tinh nhỏ nhất được phát hiện từ trước tới nay. Hành tinh nhỏ nhất có kích thước khoảng bằng sao Hỏa. Ngôi sao KOI-961 cách Trái Đất 120 năm ánh sáng, thuộc Chòm sao Thiên nga (The Swan) và to bằng khoảng 1/6 lần Mặt Trời. Các hành tinh nói trên được cho là cấu tạo từ đất đá giống với Trái Đất, nhưng chúng quá gần với ngôi sao để có thể nằm trong vùng có sự sống, ít nhất theo các tiêu chuẩn của chúng ta. Nhà nghiên cứu chính, ông John Johnson thuộc Viện công nghệ California ở thành phố Pasadena, Mỹ nói với Space.com: “Đây là hệ Mặt Trời nhỏ nhất từng được biết đến. Hệ Mặt Trời này giống với sao Mộc và các mặt trăng của hành tinh này hơn bất cứ hệ hành tinh nào khác”.
Khám phá này là bằng chứng nữa cho thấy sự đa dạng của các hệ hành tinh trong dải Ngân hà. Gần đây, cũng nhờ dữ liệu từ Kepler mà các nhà khoa học đã phát hiện hai hành tinh lớn bằng Trái Đất quay xung quanh một ngôi sao cách chúng ta 1.000 năm ánh sáng. |