Bức ảnh Trạm ISS bay ngang qua Mặt trăng do Lauren chụp được. (Ảnh: Daily Mail)
Trong bức ảnh do Lauren Harnett, một nhiếp ảnh gia của NASA chụp được không chỉ thể hiện rõ từng chi tiết của Mặt trăng mà còn ghi lại được khoảnh khắc Trạm Vũ trụ Quốc tế bay ngang qua phía trước của Mặt trăng. Trước đây, rất ít người có thể chụp được hình ảnh của Trạm Vũ trụ Quốc tế. Tuy nhiên, Lauren đã may mắn làm được điều này. Mới nhìn bức ảnh này, nhiều người sẽ cho rằng nó là một sản phẩm đồ họa rất công phu bằng máy tính. Tuy nhiên, trên thực tế, đây là một bức ảnh thực và mới chỉ được chụp cách đây vài ngày. Điều đặc biệt là, Lauren Harnett đã thực hiện bức ảnh này hoàn toàn bằng một chiếc ảnh kỹ thuật số thông thường, một chiếc máy DSLR Nikon D3S. Tuy nhiên, để có được bức ảnh độc đáo này, Lauren vẫn cần đến một số phụ kiện đặc biệt như một chiếc ống kính độ phân giải cao có tiêu cự 600mm. Mặc dù vậy, bất cứ một người bình thường nào cũng có thể mua thiết bị này trên mạng nếu như có đủ điều kiện tài chính. Nhìn bức ảnh của Lauren hẳn nhiều người sẽ lo lắng rằng, Trạm Vũ trụ Quốc tế bay sát Mặt trăng như vậy liệu có nguy hiểm hay không. Trên thực tế, dù nhìn trên bức ảnh là rất gần nhưng khoảng cách thực từ Trạm Vũ trụ Quốc tế tới Mặt trăng lên tới 200 ngàn dặm Anh (khoảng 322 ngàn km). “Đây là một bức ảnh đáng kinh ngạc. Trước khi tôi chụp tôi không hề nghĩ rằng sẽ chụp được Trạm Vũ trụ Quốc tế. Hôm đó, thời tiết không có gì đặc biệt, thậm chí tôi còn có cảm giác bầu trời hơi âm u”, Lauren Harnett chia sẻ trên Daily Mail. Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS. (Ảnh: Daily Mail)
Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) được xây dựng vào năm 1998 với sự hợp tác của cơ quan không gian Mỹ, Nga, Nhật, Canada và 10 trong số 17 nước thành viên của Cơ quan Hàng không Vũ trụ châu Âu. Diện tích của Trạm ISS vào khoảng hơn 33 ngàn mét vuông, trong đó diện tích ở được vào khoảng trên 900 mét vuông. Do quỹ đạo của Trạm Vũ trụ Quốc tế thuộc dạng quỹ đạo gần Mặt Đất (còn gọi là Quỹ đạo LEO - Low Earth Orbit), độ cao cách Mặt Đất chỉ trong khoảng từ 319,6km đến 346,9km, trạm có các tấm pin mặt trời rộng, phản chiếu tốt ánh sáng Mặt Trời nên có thể quan sát Trạm ISS từ Mặt Đất. |