Lỗ đen vẫn là bí ẩn lớn nhất trong vũ trụ.
Dự án này có tên Event Horizon Telescope, nhằm chụp hình lỗ đen khổng lồ ở trung tâm dãy ngân hà, sẽ được các nhà khoa học họp bàn vào ngày 18/1. Lỗ đen siêu khổng lồ này có khối lượng gấp 4 triệu lần khối lượng mặt trời nhưng lại quá xa đối với các nhà thiên văn học nếu nhìn từ trái đất. Ý tưởng về lỗ đen lần đầu tiên được nêu lên trong thuyết tương đối tổng quát của Einstein và đã được xác nhận qua hàng thập kỷ quan sát và đo đạc về vũ trụ. Tuy nhiên, đến giờ vẫn không thể thấy trực tiếp lỗ đen do lực hấp dẫn xung quanh các vật thể quá lớn đến mức ánh sáng cũng không thể thoát ra. Dimitrios Psaltis, giáo sư vật lý học thiên thể tại trung tâm quan sát Steward thuộc Đại học Arizona cho biết "Chưa ai có thể chụp được hình lỗ đen. Nhưng chúng tôi đang sắp làm được điều đó". Giáo sư Doeleman, người đứng đầu dự án, giải thích: "Khi bụi và khí quay tròn quanh lỗ đen trước khi bị cuốn vào bên trong thì chúng sẽ bị nén lại và ma sát làm cho vật chất biến thành thể plasma có nhiệt độ lên đến hàng tỉ độ hoặc hơn, tạo ra những ánh sáng, dạng năng lượng bức xạ mà chúng ta có thể thấy từ trái đất". Theo Dailymail, bằng cách chụp hình ảnh ánh sáng của các vật chất quay tròn quanh lỗ đen trước khi bị hút vào, các nhà khoa học có thể thấy được hình dạng của lỗ đen. Nhóm dự án đang kết nối 50 kính viễn vọng vô tuyến nằm rải rác trên thế giới. Theo Giáo sư Psaltis: "Thực chất, chúng ta đang chế tạo chiếc kính viễn vọng có tấm kính lớn như trái đất. Mỗi chiếc kính viễn vọng có thể được xem như một phần nhỏ của một chiếc kính lớn". Mỗi năm dự án sẽ bổ sung thêm kính viễn vọng để tăng khả năng quan sát. "Chúng tôi sẽ có thể thực sự thấy được chuyện gì đang diễn ra sát với vùng chân trời của lỗ đen, nơi có trường hấp dẫn mạnh nhất trong vũ trụ. Chưa có ai kiểm chứng thuyết tương đối tổng quát của Einstein ở trường hấp dẫn mạnh như thế". Lỗ đen vẫn là bí ẩn lớn nhất trong vũ trụ. Dãy ngân hà của chúng ta được cho là có khoảng 25 lỗ đen nhỏ có khối lượng gấp 5 đến 10 lần khối lượng mặt trời. |