Tốc độ gió trên vùng phía bắc Đại Tây Dương tăng dần sau từng thập kỷ.
Tiến sĩ Paul Williams, một nhà nghiên cứu của Đại học Reading tại Anh, cùng các đồng nghiệp sử dụng mô hình khí tượng để tìm hiểu sự thay đổi của tốc độ gió ở phía bắc Đại Tây Dương trong quá khứ và tương lai. Họ tăng dần khối lượng khí carbon dioxide (CO2) trong mô hình để xem tốc độ gió thay đổi thế nào từ thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp tới năm 2050, BBC đưa tin.
Kết quả cho thấy, lượng khí CO2 trong khí quyển càng tăng thì tốc độ gió càng lớn. Tốc độ gió ở khu vực phía bắc Đại Tây Dương hiện nay cao hơn so với tốc độ trong quá khứ. Do tác động của biến đổi khí hậu, tốc độ gió trung bình ở khu vực này trong tương lai sẽ tăng từ 10 tới 40% so với hiện nay. Không gian chịu ảnh hưởng của nhiễu động khí cũng tăng từ 40 tới 170%.
Phát hiện của Williams đồng nghĩa với việc các phi cơ bay qua phía bắc Đại Tây Dương sẽ đối mặt với những cơn gió mạnh hơn và xác suất gặp nhiễu động khí mạnh cũng lớn hơn.
"Nguy cơ một máy bay gặp nhiễu động khí trung bình và mạnh tăng thêm 10,8%", Williams nói.
Khi máy bay lọt vào vũng nhiễu động khí có độ mạnh từ trung bình trở lên, hành khách sẽ cảm thấy khó khăn khi họ bước, các cốc nước có thể đổ, những người thắt đai an toàn sẽ cảm thấy tức ở vùng bụng.
Xu hướng tăng dần của tốc độ gió không chỉ làm giảm mức độ an toàn của chuyến bay, mà còn gây nên thiệt hại về tài chính.
"Nếu các phi cơ phải bay vòng để tránh vùng nhiễu động khí, đương nhiên chi phí nhiên liệu sẽ tăng. Để bù đắp chi phí nhiên liệu, các hãng hàng không sẽ phải tăng giá vé. Như thế, hành khách sẽ phải chi nhiều tiền hơn để lên máy bay", Williams bình luận.
Hiện nay khoảng 600 chuyến bay giữa châu Mỹ và châu Âu diễn ra trên phía bắc của Đại Tây Dương. Nếu tất cả phi cơ phải bay vòng để tránh gió mạnh, các hãng hàng không sẽ phải chi thêm hàng tỷ USD mỗi năm.