Dự án này được đề xướng bởi các trường đại học California và Canada, sẽ tiêu tốn chừng 1 tỉ USD để có kính thiên vănquang học kích cỡ 30 m, giúp các nhà thiên văn học quan sát quỹ đạo các ngôi sao cũng như các hành tinh đang trong giai đoạn hình thành. Viễn vọng kính cũng sẽ giúp các nhà khoa học nhìn xa đến 13 tỉ năm ánh sáng để có dữ liệu về giai đoạn đầu của vũ trụ. Kích cỡ 30 m của kính thiên văn quang học này lớn gấp 9 lần kính cùng loại đang được sử dụng. Hình ảnh thu được cũng sắc nét gấp ba lần so với những gì hiện đang có bởi các kính thiên văn khác. Tuy nhiên, theo báo Daily Mail thì kỷ lục này cũng không kéo dài vì một nhóm các nước châu Âu cũng đã lên kế hoạch xây dựng viễn vọng kính có kích cỡ 42 m. Kính thiên văn quang học kích cỡ 30 m này được đặt trên đỉnh ngọn núi lửa Mauna Kea, khu vực này được cho thuê lại bởi Trường đại học Hawaii. Một số ý kiến phản đối nơi xây dựng vì lập luận rằng đỉnh núi Mauna Kea theo tín ngưỡng của dân bản địa là chốn thiêng liêng, là "cửa ngõ vào thiên đường", còn các nhà môi trường học thì cho rằng nó ảnh hưởng đến miền đất sống của một vài loài sinh vật quý hiếm. Vì vậy, dự án được phê duyệt nhưng đi kèm hàng chục điều kiện nghiêm ngặt ví dụ như nhân viên vận hành phải được đào tạo về văn hóa bản địa cũng như cách bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên ở đây. Theo báo Daily Mail thì đỉnh núi Mauna Kea được chọn vì nơi này có hơn 300 ngày quang mây trong năm nên thuận lợi cho việc quan sát thiên văn. Nơi này cũng ít bị ô nhiễm không khí và ít bị ảnh hưởng bởi ánh sáng đô thị về đêm.
|