Theo các nhà khoa học thuộc phòng thí nghiệm Thần kinh học ATR, Nhật Bản, “máy bắt giấc mơ” đạt được độ chính xác đến 60%, một kết quả thật “ấn tượng”.
Mặc dù mức độ chi tiết thì còn cách bộ phim giả tưởng Inception mà Leonardo DiCaprio đóng khá xa. Trong phim của DiCaprio con người có thể điều khiển giấc mơ của người khác và đánh cắp những ý nghĩ của họ khi đang ngủ. Chỉ vài năm trước đây, những thành tựu dạng này chỉ có thể thấy trong phim giả tưởng Star Trek.
Các nhà khoa học Nhật Bản bắt đầu quét não của 3 tình nguyện viên khi họ ngủ bằng máy chụp ảnh cộng hưởng từ. Cứ 6 hoặc 7 phút, họ bị kích thích để tỉnh dậy và được yêu cầu miêu tả chi tiết những gì diễn ra trong giấc mơ của mình.
Quá trình này được lặp lại cho đến khi mỗi người tham gia có đủ 200 giấc mơ. Ví dụ, một người đàn ông đã miêu tả về giấc mơ của mình: “Từ trên trời, tôi thấy một bức tượng đồng lớn. Bức tượng đó nằm trên một ngọn đồi nhỏ. Dưới ngọn đồi có rất nhiều nhà, đường phố, cây cối”.
Chương trình máy tính được lập trình để "đọc" lại giấc mơ cho kết quả chính xác tới 60%.
Những mô tả dạng này sẽ được phân tích và những ý chính trong giấc mơ của mỗi một tình nguyện viên sẽ được chia vào trong 20 mục. Sau khi tỉnh dậy, những người tham gia sẽ được cho xem những bức ảnh từ các phân mục và những bức ảnh quét não một lần. Một chương trình máy tính sẽ nhanh chóng lọc ra những “dấu hiệu” hoạt động của não với mỗi mục.
Phần cuối cùng trong thí nghiệm, máy tính sẽ sử dụng những thông tin mà nó có được để mã hóa các hình ảnh quét não khi tình nguyện viên ngủ lại.
Kết quả là máy tính có thể nhận diện được hình ảnh đang mơ khoảng 60%.
Trước kia, các chuyên gia hình ảnh Mỹ cũng đã dùng phương pháp quét não để dự đoán liệu một tội ác có thể sắp diễn ra hay không. Công nghệ này có thể được sử dụng để tìm lại những giấc mơ đã bị quên lãng.