Công cụ trung tâm của sứ mệnh mới sẽ là đài quan sát không gian TESS, viết tắt từ Vệ tinh Khảo sát Hành tinh Quá cảnh, dự kiến lên quỹ đạo vào năm 2017. Cũng giống như viễn vọng kính Kepler, TESS sẽ đảm trách nhiệm vụ tìm kiếm những hành tinh lướt qua bề mặt của sao trung tâm, cũng giống như vũ điệu ballet mà sao Kim tạo ra khi di chuyển ngang qua mặt trời. Cũng nhờ biện pháp quan sát đột phá này, Kepler đã tìm được 2.740 ứng viên hành tinh, tính đến tháng 1.2013.
|
Dù khả năng quang học cực mạnh của Kepler đã cung cấp một cái nhìn không tiền khóa hậu, cho phép các nhà thiên văn học quan sát các hệ thống đa hành tinh, xác định được những thế giới nhỏ cỡ sao Thủy, hoặc lớn gấp nhiều lần sao Mộc. Tuy nhiên, nó chỉ soi được vỏn vẹn 0,28% bầu trời, tức khoảng 145.000 chuỗi sao chính trong chòm sao Thiên Nga và Thiên Cầm. Trong khi đó, TESS đảm đương nhiệm vụ nặng nề hơn là phải bao quát toàn bầu trời, hứa hẹn sẽ cung cấp khối lượng thông tin khổng lồ cho sứ mệnh lâu nay của các nhà khoa học là tìm hiểu số lượng ngôi sao giống hệ mặt trời đang hiện diện ngoài kia, và khu vực có thể cho phép sự sống sinh sôi.
“TESS sẽ đảm nhiệm cuộc khảo sát toàn bầu trời đầu tiên, bao phủ diện tích gấp 400 lần so với bất kỳ sứ mệnh nào trước đây”, theo Space.com dẫn lời Trưởng nhóm dự án George Ricker thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Chuyên gia này cho hay kính viễn vọng mới sẽ xác định được hàng ngàn hành tinh chưa từng biết đến tại vùng lân cận hệ mặt trời, với khả năng tập trung vào những hành tinh có kích thước tương đồng với Trái đất. Theo thông cáo báo chí của NASA, TESS sẽ sử dụng một tổ hợp kính thiên văn để quan sát toàn bầu trời, nhằm phát hiện các hành tinh di chuyển ngang bề mặt của sao trung tâm, với đủ loại kích thước từ cỡ Trái đất hoặc khổng lồ như các hành tinh khí.
Vào năm 2009, Kepler đã được phóng lên không gian, và mới đây NASA quyết định gia hạn thêm thời gian hoạt động của nó cho đến năm 2016. Hiện các chuyên gia vẫn nuôi hy vọng rằng Kepler có thể bắt được những chứng cứ không thể chối cãi về sự hiện diện của một thế giới ở kích cỡ như Trái đất, nằm trong vùng cho phép có sự sống xung quanh ngôi sao trung tâm của nó. Nhờ vào Kepler, các nhà thiên văn hết sức bất ngờ trước dự đoán rằng phải có đến 100 tỉ hành tinh trong dải Ngân hà. Gánh vác trọng trách từ Kepler, TESS khi được phóng lên quỹ đạo thấp của địa cầu sẽ trở thành “thợ săn hành tinh” phiên bản kế tiếp, và hứa hẹn sẽ mang lại sự hiểu biết sâu rộng hơn nữa về các thế giới bên ngoài hệ mặt trời.