(phatminh.com) VQG Cát Tiên phối hợp cùng Viện Sinh học Tây Nguyên (Viện KH-CN Việt Nam) đã phục dựng thành công bộ xương tê giác Java một sừng và trưng bày cho khách tham quan. Ông Trần Văn Thành, Giám đốc Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên cho biết vào ngày 2/3.
|
|
Đây là bộ xương được thu thập vào tháng 4/2010 từ xác con tê giác Java một sừng đã bị bắn chết trước đó tại VQG Cát Tiên mà nguyên nhân cái chết có thể do bị bắn trộm để lấy sừng. Dựa vào bộ xương phục dựng, các chuyên gia nhận định, con tê giác Java một sừng này có chiều dài khoảng 1,8 mét và cao khoảng 1,5 mét.
| Bộ xương tê giác một sừng được trưng bày tại vườn quốc gia Cát Tiên - Ảnh: VQG Cát Tiên cung cấp |
Th.S Hà Thanh Tùng, Phó phòng Bảo tàng, Viện Sinh học Tây Nguyên, phụ trách nhóm phục dựng cho biết, do đây là động vật mới, không có mẫu đối chứng nên nhóm phục dựng phải dựa vào mẫu thú móng guốc ăn cỏ, tê giác châu Phi và những bộ phận còn lại để tái tạo bộ xương. Hơn nữa, cá thể tê giác đã chết, lại bị vùi lấp trong bùn đất nên màu sắc không còn đẹp, đặc biệt một số bộ phận đã bị phân hủy hoặc mất như 3 xương sườn hông, 2 đốt xương cổ, răng... Tuy nhiên, tất cả các xương còn thiếu của con tê giác như đốt sống cổ, đốt sống hông, đốt sống sườn, xương bánh chè, một số xương ngón cùng vùng mõm (nơi sừng bị cắt mất) đã được các chuyên gia phục chế bằng chất liệu composite và thạch cao.
“Rất may là con tê giác còn khoảng hơn 90% xương nên việc tái tạo bộ xương đạt độ chính xác tương đối lớn, chỉ sai lệch 1-2%. Nếu xử lý tốt, môi trường bảo quản đảm bảo tiêu chuẩn thì bộ xương phục dựng có thể đạt tuổi thọ 60-70 năm hoặc lâu hơn” Th.S Tùng nói.
Tê giác Java một sừng (Rhinoceros sondaicus annamiticus) đã được cho là tuyệt chủng tại châu Á cho đến khi người ta săn được một cá thể tê giác trong khu vực Vườn Quốc gia Cát Tiên năm 1988, dẫn đến việc phát hiện ra một quần thể tê giác nhỏ. Sau đó, rất nhiều tổ chức đã tích cực tham gia bảo tồn quần thể tê giác cuối cùng còn sót lại, song không thành công. Tháng 10.2011, Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Quỹ Bảo tồn tê giác quốc tế (IRF) chính thức công bố tê giác Java một sừng tại Việt Nam đã tuyệt chủng . |
|
|
|
|
|