Dù
không thể tiến hành các kiểm tra tâm lý học và thần kinh đối với những
“người điên vĩ đại” của lịch sử, nhưng các nhà sử học đã nghiên cứu
những tài liệu cá nhân của họ, bao gồm thư từ, tài liệu, các tác phẩm và
công trình nghiên cứu cũng như những nguồn thông tin khác. Kết quả là,
hóa ra nhiều thiên tài vĩ đại nhất thế giới lại là những người có đầu óc
“không được bình thường”.
Tuy chưa có bằng chứng khoa học xác thực về mối liên hệ này, nhưng các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Toronto
đã phát hiện, những người làm các công việc có tính sáng tạo cao như
nhà thơ, nhà văn, họa sĩ, ... có rất ít hoặc thậm chí không có khả năng
tự kiềm chế - đây là một khả năng thuộc về tiềm thức cho phép chúng ta
phớt lờ những kích thích không quan trọng hoặc không liên quan tới bản
thân. Tạp chí Discovery dẫn lời giáo sư tâm lý học Jordan Peterson thuộc trường ĐH Toronto nói: “Một
người bình thường sẽ có phản xạ đánh giá và phân loại một thực thể từ
môi trường, rồi sau đó quên nó đi, mặc dù rất có thể vật thể đó phức tạp
và thú vị hơn đánh giá ban đầu của họ. Ngược lại, nhóm người có óc sáng
tạo cao lại luôn quan tâm đến mọi thứ trong môi trường xung quanh và
tìm kiếm những điều mới mẻ nơi chúng”.
John Nash (sinh năm 1928)
John Nash (trái) và diễn viên Russel Crowe vào vai ông trong phim A Beautiful Mind).
Bộ phim của Hollywood “A Beautiful Mind”
(Một tâm hồn đẹp) từng đoạt 4 giải Oscar có kịch bản phỏng theo cuộc
đời của thiên tài toán học - John Nash và cuộc chiến chống lại căn bệnh
tâm thần phân liệt của ông.
Tên đầy đủ của ông là John Forbes Nash
Jr. Ông là một nhà toán học người Mỹ, chuyên ngành lý thuyết trò chơi,
hình học vi phân, phương trình vi phân. Các lý thuyết của ông đã cung
cấp cái nhìn sâu sắc về các lực lượng chi phối cơ hội và những sự kiện
bên trong các hệ thống phức tạp trong cuộc sống thường ngày. Lý thuyết
của ông đã được sử dụng trong kinh tế thị trường, tính toán, sinh học
tiến hóa, trí tuệ nhân tạo, kế toán, lý thuyết chính trị và quân đội.
John Nash mắc chứng ảo giác và hoang
tưởng tự đại trong suốt khoảng 30 năm của cuộc đời. Ông thường có ảo
giác nghe thấy giọng nói của nhiều người văng vẳng bên tai nhưng lại
không nhìn thấy ai cả. Ông còn mắc chứng hoang tưởng tự đại, cho rằng
mình đang bị những nhân vật quan trọng trên thế giới truy lùng. Vào cuối
thập niên 1980, sau nhiều lần nhập viện và chống chọi với các chứng rối
loạn trên, cuối cùng ông đã có thể tạm trở lại bình thường. Năm 1994,
John Nash được trao giải Nobel về Khoa học Kinh tế cho những công trình
nghiên cứu về lý thuyết trò chơi trước đây của mình.
Nói về sự bình phục của bản thân, John
Nash cho rằng đó không hẳn là một niềm vui. Ông coi sự tỉnh táo trong
suy nghĩ sẽ đặt ra giới hạn trong nhận thức của một người về mối liên hệ
giữa bản thân với thế giới, với vũ trụ.
Vincent van Gogh (1853 - 1890)
Vincent van Gogh là một danh hoạ Hà Lan
thuộc trường phái hậu ấn tượng. Nhiều bức tranh của ông nằm trong số
những tác phẩm nổi tiếng nhất, được yêu thích nhất và cũng đắt giá nhất
trên thế giới. Chỉ trong 10 năm cuối đời, họa sĩ đã sáng tác hơn 2.000
tác phẩm, trong đó có khoảng 900 bức họa hoàn chỉnh và 1.100 bức vẽ hoặc
phác thảo. Phần lớn các tác phẩm nổi tiếng nhất của Van Gogh được sáng
tác vào hai năm cuối đời, thời gian ông lâm vào khủng hoảng tinh thần
tới mức tự cắt bên tai trái vì tình bạn tan vỡ với họa sĩ Paul Gauguin.
Sau đó, Van Gogh liên tục phải chịu đựng các cơn suy nhược thần kinh và
cuối cùng ông đã tự kết liễu đời mình.
Van Gogh thường xuyên gặp phải các vấn
đề về thần kinh, đặc biệt trong những năm cuối đời. Đã có rất nhiều cuộc
tranh luận nổ ra trong việc tìm nguyên nhân thực sự cho chứng bệnh thần
kinh của họa sĩ và ảnh hưởng của nó lên các tác phẩm của ông. Người ta
đã đưa ra khoảng 30 chẩn đoán khác nhau cho triệu chứng bệnh của Van
Gogh, trong đó phải kể tới chứng tâm thần phân liệt, rối loạn chức năng,
giang mai, động kinh và rối loạn chuyển hóa porphyrine cấp tính. Bất kì
chứng bệnh nào trong số trên cũng có thể là thủ phạm dẫn tới sự suy
nhược thần kinh của họa sĩ. Tình trạng của ông còn bị làm trầm trọng
thêm do ăn uống thiếu chất, lao lực, mất ngủ và nghiện rượu, nhất là
rượu absinthe.
Người ta còn đưa ra một giả thuyết cho
thể trạng yếu của họa sĩ là do ngộ độc chì. Các màu vẽ mà Van Gogh
thường dùng đều có gốc chì, và một trong các triệu chứng của nhiễm độc
chì đó là căng võng mạc dẫn tới việc thường xuyên nhìn thấy các quầng
sáng, một đặc điểm thường thấy trong các tác phẩm cuối đời của họa sĩ.
Edgar Allan Poe (1809 - 1849)
Edgar Allan Poe là nhà văn, nhà viết
kịch, nhà phê bình, nhà thơ lớn của Mỹ. Poe là ông tổ của thể loại
truyện trinh thám và hình sự. Ông làm thơ, viết văn xuôi, viết phê bình
văn học và làm cả biên tập viên sách, nhưng mang lại cho ông nhiều danh
tiếng nhất là những truyện ngắn thuộc thể loại kinh dị và trinh thám.
Suốt cuộc đời từ khi còn là một đứa trẻ
sơ sinh cho tới lúc từ giã cõi đời, Poe đã phải sống một cuộc sống đầy
nỗi đau khổ, bất hạnh.
Trong suốt bốn mươi năm ngắn ngủi của
cuộc đời mình, Poe đã nhiều lần phải đối mặt với những cái chết bi thảm
xảy đến với người thân. Bố, mẹ, anh trai, mẹ nuôi, rồi người vợ thân yêu
của ông lần lượt chết bởi bệnh lao phổi. Điều này có thể đã để lại
những vết thương tâm lý và tình cảm sâu sắc nơi ông, lý giải tại sao ông
thường bị ám ảnh và nói nhiều về cái chết.
Những năm tháng cuối đời (từ năm 1847 -
1849), Poe đã sống trong tình trạng lao đao, nửa mất trí. Cái chết của
ông cũng mang nhiều bí ẩn như chính những tác phẩm của ông. Theo hồ sơ
bệnh án, Edgar Poe được đưa vào bệnh viện trong trạng thái bất tỉnh. Sau
đó, ông có hồi tỉnh, người ra nhiều mồ hôi, bị chứng ảo giác và thường
cãi nhau với một người tưởng tượng. Tiếp đến là giai đoạn ông bị mất trí
nhớ, cấm khẩu rồi tắt thở.
Gần đây, dư luận nghiêng về giả thiết do
nhà văn Mỹ Mathew Pearla đưa ra. Học giả này đã dành 3 năm nghiên cứu
về cái chết của Edgar Poe để rồi đi đến kết luận là Poe chết bởi bệnh u
não.
Một trong những căn cứ mà Mathew Pearl
dựa vào là các bài tường thuật của cánh báo chí về những gì họ quan sát
được trong lần khai quật tử thi của Edgar Poe năm 1875. Theo những người
này, họ đã vô cùng sửng sốt khi thấy bộ não teo tóp của người quá cố
không bị phân hủy mà vẫn nằm trong hộp sọ. Tìm hiểu qua một chuyên gia
giải phẫu, Mathew được biết, trường hợp như vậy là vô cùng hạn hữu. Nó
chỉ có thể xảy ra với một số ít trường hợp não bị vôi hóa do u bướu,
khiến chủ nhân khi chết rồi mà não vẫn vón cục, không chịu phân hủy.
Ludwig van Beethoven (1770 - 1827)
Beethoven là một nhà soạn nhạc cổ điển
người Đức (nhưng ông sống chủ yếu ở Wien, Áo). Ông được khắp nơi công
nhận là nhà soạn nhạc vĩ đại nhất và có ảnh hưởng tới rất nhiều những
nhà soạn nhạc, nhạc sỹ và khán giả về sau.
Cuộc sống của Beethoven có rất nhiều khó
khăn. Cha ông là một người nghiện rượu và thô lỗ, mẹ ông lại hay đau
ốm. Trong sáu anh chị em của Beethoven chỉ còn có hai người sống sót.
Vào khoảng 5 tuổi, ông bị chứng viêm tai giữa, có lẽ đây là nguyên nhân
khiến ông bị điếc sau này.
Trong cuộc đời của mình, Ludwig van
Beethoven đã phải chịu đựng sự hành hạ đau đớn về mặt thể xác. Nguyên
nhân bệnh tật của ông cho đến hôm nay vẫn còn là đề tài nghiên cứu của
các nhà khoa học.
Vào đầu tháng 12/2005, Phòng thí nghiệm Quốc gia Argonne
ở Chicago, Mỹ đã đưa ra bằng chứng rằng, ngay từ thời thanh niên Ludwig
van Beethoven đã bị nhiễm độc chì rất nặng. Công bố này dựa vào sự phân
tích một mẫu xương sọ của danh họa bằng X quang. Như vậy, có thể nói
ngay từ khi ông mới 20 tuổi Ludwig van Beethoven đã chịu đựng tác động
rất nặng của tình trạng nhiễm độc chì.
Tài liệu lịch sử còn cho biết, ngay từ
khoảng 20 tuổi, tính cách của Ludwig van Beethoven đã bắt đầu thay đổi.
Cùng thời gian đó, ông cũng thường than phiền về chứng đau bụng không rõ
nguyên do của mình. Tuy nhiên, người ta vẫn chưa rõ liệu bệnh điếc của
ông có phải do nhiễm độc chì hay không.
Vào khoảng 30 tuổi, Ludwig van Beethoven
bắt đầu biểu lộ những triệu chứng đầu tiên của bệnh xơ hóa thính giác
và triệu chứng này ngày càng tồi tệ hơn, không có cách gì cứu vãn. Đến
năm 1819 thì ông điếc hoàn toàn. Từ đó, ông không còn trình diễn nữa
cũng như không thể chỉ huy dàn nhạc được. Việc giao tiếp lúc này đối với
ông cũng cực kỳ khó khăn.
Lúc được bác sĩ cho biết cái chết gần kề, Beethoven không buồn, trái lại cảm thấy nhẹ người, tuyên bố với bạn bè: "Các bạn hãy vỗ tay đi! Màn bi kịch đã đến lúc hạ rồi!".
Isaac Newton (1642 - 1727)
Isaac Newton là một nhà vật lý, nhà
thiên văn học, nhà triết học tự nhiên và nhà toán học vĩ đại người Anh.
Mặc cho những đóng góp to lớn của ông với khoa học, ông vẫn bị "mang
tiếng” là người rất khó gần, tính khí vô cùng thất thường hay thậm chí
là có những biểu hiện của chứng tâm thần phân liệt.
Sinh ra trong một gia đình nông dân, may
mắn cho nhân loại, Newton không làm ruộng giỏi nên được đưa đến Đại học
Cambridge để trở thành luật sư. Một đợt dịch bệnh đã khiến trường
Cambridge đóng cửa, do đó ông trở về nhà. Trong hai năm liền sống ở nhà,
cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài, Newton dành hết thì giờ để suy tư
và nghiên cứu khoa học.
Kết quả thật siêu phàm: chưa đầy 25
tuổi, Newton đã thực hiện được ba phát minh khiến ông nghiễm nhiên trở
nên ngang hàng với các thiên tài khoa học của mọi thời đại.
Điều đáng ngạc nhiên là Newton không hề
công bố gì về ba phát minh cực kỳ quan trọng của ông về toán học vi
phân, màu sắc của ánh sáng và định luật hấp dẫn. Với bản tính rất dè
dặt, kín đáo, ông không thích tiếng tăm, không thích tranh luận và có ý
muốn xếp xó những phát minh của mình. Những gì ông công bố sau này đều
do bạn bè thúc ép, song ông lại hối hận vì trót mềm yếu nghe lời họ. Ông
nghĩ rằng công bố sẽ khiến cho người ta phê bình, rồi từ phê bình đi
tới tranh luận, điều mà Newton với bản tính nhạy cảm rất lấy làm khổ
tâm.
Sinh thời Newton rất nhạy cảm trước
những phản bác đối với các lý thuyết của ông, thậm chí đến mức không
xuất bản các công trình cho đến tận sau khi người hay phản bác ông nhất
là Hooke mất.
Ông tỏ ra ngày càng lập dị vào cuối đời
khi thực hiện các phản ứng hoá học và cùng lúc “tiên tri” ngày tháng cho
các sự kiện trong Kinh Thánh. Sau khi Newton qua đời, người ta tìm thấy
một lượng lớn thuỷ ngân trong cơ thể của ông, có thể bị nhiễm trong lúc
làm thí nghiệm. Tác hại của hóa chất này với cơ thể có thể giải thích
một phần cho sự lập dị của thiên tài vĩ đại này.