(phatminh.com) Một số người trồng hoa cho biết, có thể làm ra loại hoa hồng với màu sắc mà mình muốn. Tuy nhiên, theo một số chuyên viên, đây chỉ là xảo thuật nhuộm màu hoa...
|
|
Ông Nguyễn Công Hóa, một nông dân trồng
hoa ở 85B Vạn Thành, phường 5, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng cho biết, có
thể tạo màu hoa hồng tùy sở thích (tối đa bảy màu trên một cành hoa).
Ông phải mất hơn hai năm thử nghiệm mới có được công thức để biến đổi
màu hoa hồng sau khi cắt cành.
Nhuộm màu hoa hồng
Theo ông Hóa, các bước biến đổi màu hoa được thực hiện khá công phu.
Ngày đầu tiên, cho hóa chất vào đoạn cành có hoa sẽ cắt (khoảng 50cm gần
hoa) để làm mất màu thật của hoa. Ngày thứ hai, thêm chất dinh dưỡng
cho cành hoa. Ngày thứ ba, cắt cành hoa đưa vào phòng thí nghiệm và đưa
thêm loại hóa chất tạo màu mới cho hoa. Đây là khâu quyết định để hoa có
màu gì, và hoa có bao nhiêu màu. Sau đó, đưa hoa vào phòng lạnh với
nhiệt độ thích hợp để hoa tươi, ổn định sắc tố mới đưa vào, màu lan tỏa
đều khắp cánh hoa. Cuối cùng, lấy hoa ra cắm vào bình với nước đã được
thêm hóa chất bảo quản.
Hoa hồng biến đổi màu được trưng bày tại Festival Hoa Đà Lạt (Ảnh: Nguyễn Hữu)
Hoa được biến đổi màu theo cách này có tuổi thọ cắm (chưng) được từ 7-10
ngày, trong khi hoa hồng bình thường chỉ để được 4-5 ngày. Ông Hóa cho
biết, loại hóa chất mình dùng biến đổi hoa là loại nhập về từ nước
ngoài. Quy trình để biến đổi màu một cành hoa hồng cần bốn ngày. Mỗi
ngày, gia đình chỉ làm được tối đa khoảng 200 cành. Tuy nhiên, ông không
cho biết tên cụ thể của các loại hóa chất, vì “đây chính là bí quyết
công nghệ”.
Tại Festival Hoa lần thứ Tư của Đà Lạt được tổ chức vào đầu năm 2012,
ông Nguyễn Vũ Hoàng, tổng đạo diễn của lễ hội này mong muốn ông Hóa bán
cho cành hoa để tặng khách. Tuy nhiên, ông Hóa đã không đáp ứng vì sợ...
“lộ” bí quyết công nghệ.
Không phải giống mới
Ông Hóa thừa nhận: Hoa biến đổi màu không có tính đại diện cho cho một
giống mới. Ông chỉ muốn có thêm một sản phẩm hoa đặc trưng, tăng giá trị
gia tăng cho hoa Đà Lạt.
Ông Nguyễn Công Hóa, đang gây biến đổi màu trong ngày đầu. Ảnh: Thái Ngọc.
Kỹ sư Nguyễn Đình Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Công nghệ sinh
học Rừng Hoa Đà Lạt (Rừng Hoa), một đơn vị chuyên sản xuất cây giống,
hoa tiết lộ, cách biến đổi màu hoa tương tự như ông Hóa không có gì mới.
Một số nước trên thế giới đã làm cách đây nhiều chục năm. Ngay tại công
ty Rừng Hoa những năm trước đây cũng biến đổi màu của hoa cúc cắt cành
bằng cách: pha dung dịch có màu vào nước trong bình cắm, sau đó cắm hoa
cúc trắng vào. Hoa sẽ hút dung dịch tạo màu và có màu mới tùy thuộc vào
màu dung dịch được pha. Cách tạo màu này đã làm giảm tuổi thọ của hoa
cắm nên công ty Rừng Hoa không tiếp tục.
TS Phạm Thành Quân, trưởng khoa kỹ thuật hóa học. Trường ĐH Bách khoa
TP.HCM giải thích: khi pha chất tạo màu có tính a xít vào nước cắm hoa
sẽ làm hoa cắm cành biến sang màu mới. Đây chỉ là hiện tượng nhuộm màu.
Nguyên nhân do chất tạo màu có trong nước cắm theo đường hút nước, thẩm
thấu của cành đưa lên nên hoa chuyển sang màu khác. Việc chuyển sang màu
mới phụ thuộc vào chất tạo màu có trong nước và màu gốc của hoa. Ngoài
ra việc tạo màu mới còn liên quan đến loại hóa chất gì, chất hỗ trợ dẫn
ra sao. Tuy nhiên, không phải loại hoa nào khi pha chất tạo màu vào nước
cắm cũng có thể ra màu mới.
“Đây chỉ là kỹ thuật mang tính thương mại, không phải mang tính tạo
giống mới”, PGS.TS Dương Tấn Nhựt, Viện Sinh học Tây Nguyên tại Đà Lạt
nhận xét. |
|
|
|
|
|