Công ty Spiber của Nhật Bản đã tạo ra loại sợi nhân tạo dựa trên tơ nhện có tên là Qmonos (có nghĩa là mạng nhện trong tiếng Nhật). Loại sợi nhân tạo Qmonos đã được công ty Spiber sử dụng để may một chiếc váy màu xanh, hiện đang được trưng bày tại tòa nhà Roppongi Hills ở Tokyo, Nhật Bản.
Công ty Spiber đã tạo ra tơ nhện nhân tạo bằng cách sử dụng các gene tổng hợp để khiến vi khuẩn tạo ra fibroin – một loại cấu trúc protein được tìm thấy trong tơ nhện. Sau đó, các nhà khoa học sử dụng công nghệ để nuôi vi khuẩn và dệt fibroin thành vải.
Chiếc váy được may từ tơ nhện nhân tạo của công ty Spiber.
Công ty Spiber đăng ký 16 bằng sáng chế về công nghệ tơ nhện. Hiện tại,công ty này cũng đang hợp tác với tập đoàn sản linh kiện ô tô Kojima Industries để xây dựng một nhà máy có thể sản xuất khoảng 100kg tơ nhện nhân tạo/tháng. Spiber hy vọng có thể bắt đầu sản xuất 10 tấn tơ nhện nhân tạo/năm từ 2015.
“Loại vải này có thể được sử dụng ở nhiều ngành công nghiệp, như ô tô, y học...”, chủ tịch của công ty Spiber, Kazuhide Sekiyama cho biết.
Tơ nhện kết hợp với nhau được cho là có khả năng chịu lực khỏe hơn thép 5 lần và đàn hồi hơn ni lông. Khi được sử dụng làm áo chống đạn, tơ nhện sẽ khỏe hơn ít nhất 3 lần so với áo chống đạn Kevlar. Tơ nhện được hình thành một loại protein tổng hợp trong cơ thể nhện sau khi được xử lý trong môi trường axít, nước và hóa chất đặc biệt.
Tơ nhện có đặc tính chống thâm nước và có khả năng đàn hồi rất tốt. Tơ nhện cũng được sử dụng để làm băng cuốn vết thương vì nó chứa một số đặc tính chống vi khuẩn. Các nhà khoa học ngày càng quan tâm tới tơ nhện vì họ tin rằng nó có thể sử dụng cho mọi thứ từ dây dù cho đến mạch máu nhân tạo.
Tuy nhiên, tập tính sống theo lãnh thổ của các loài nhện khiến việc nuôi nhện lấy tơ rất khó không giống như nuôi tằm. Trong điều kiện thiếu con mồi, nhện có thể ăn thịt lẫn nhau. Ngoài ra, chúng cũng chỉ sản sinh một lượng tơ nhất định để sử dụng xây mạng cho chúng.