Để bảo vệ cá tầm không bị tuyệt chủng bởi sự đánh bắt vô tình của ngư dân, các nhà khoa học tại Đại học Delaware (Mỹ) đã sử dụng vệ tinh và robot lặn biển có tên Otis. Vài năm gần đây cá tầm tự nhiên được gắn thẻ và qua đó các nhà khoa học theo dõi tuyến đường di trú của chúng.
Hiện tại các nhà khoa học sử dụng dữ liệu từ vệ tinh để phân tích, tham chiếu những nơi mà cá ưa thích sống bao gồm nhiệt độ nước biển, mức độ chất diệp lục... Để xác định chính xác nơi chúng sống, robot hải dương Otis sẽ thu thập dữ liệu từ xa qua các tiêu chí nói trên, từ đó hệ thống cảnh báo sẽ thông báo cho ngư dân tạm rời xa những khu vực đó.
Trong một nhiệm vụ thực thi 3 tháng vừa qua, Otis đã đo độ mặn, nồng độ ô xy hòa tan, chất diệp lục, dòng chảy và phối hợp với những dữ liệu thu được qua thẻ gắn để xác định vị trí cá tầm. Theo tạp chí Gizmag thì trong 3 tuần gần đây các nhà khoa học đã tìm thấy 10 con cá tầm Đại Tây Dương.