Các tên lửa có thể bị chặn bằng các tên lửa khác (hoặc cũng có thể bằng
kỹ thuật laser) ở gần bệ phóng, trong giai đoạn bay ngoài tầm khí quyển
hoặc ở giai đoạn cuối.
Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ được thiết kế và triển khai để bảo vệ
lãnh thổ của Mỹ và đồng minh trước mối đe dọa tấn công bằng tên lửa đạn
đạo. Ban đầu, Lầu Năm góc nghiên cứu phát triển công nghệ phòng thủ tên
lửa đạn đạo (BMD) để đối phó với mối đe dọa hạt nhân của Liên Xô trong
thời kỳ Chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, đến thế kỷ 21, hệ thống này đã
chuyển trọng tâm sang phòng thủ và ngăn chặn các cuộc tấn công tiềm tàng
từ một số đối thủ trong khu vực, đặc biệt là Iran và Bắc Triều Tiên.
Tháng 3.2013, Lầu Năm góc tuyên bố sẽ củng cố hệ thống phòng thủ tên lửa
trên bờ biển phía tây của Mỹ để đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên
ngày càng gia tăng, cùng lúc quyết định hủy bỏ giai đoạn cuối của kế
hoạch triển khai tên lửa đánh chặn ở Châu Âu trong thập kỷ tới.
Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD)
Tên lửa đạn đạo có thể được phóng từ nhiều vị trí khác nhau, như từ hầm
chứa, xe cơ động, xe lửa, tàu ngầm, tàu chiến và máy bay. Tên lửa được
phân chia thành bốn loại cơ bản dựa trên tầm bắn tối đa: Tầm ngắn (dưới
1.000m), tầm cận trung (1.000 - 3.000 km), tầm trung (3.000 - 5.500km);
tên lửa đạn đạo liên lục địa, hoặc ICBM (hơn 5.500km).
Hành trình của tên lửa đạn đạo được phân chia làm ba giai đoạn: Giai
đoạn tăng tốc, bắt đầu phóng và kéo dài cho đến khi kết thúc động cơ tên
lửa đẩy; giai đoạn giữa- giai đoạn dài nhất- từ khi tên lửa vào quỹ đạo
parabol cho tới mục tiêu; giai đoạn cuối, khi đầu đạn tên lửa được tách
ra, thông thường giai đoạn này chỉ mất chưa đầy một phút thì phát nổ.
Căn cứ vào các đặc điểm nêu trên của tên lửa, quân đội Mỹ đã hình thành
bốn chức năng cơ bản để đối phó với một tên lửa đạn đạo thông qua hệ
thống phòng thủ. Bốn chức năng cơ bản của hệ thống phòng thủ tên lửa là:
Phát hiện; phân biệt (phân biệt giữa mục tiêu là tên lửa với các mục
tiêu khác); điều khiển hỏa lực (xác định chính xác điểm đánh chặn); tiêu
diệt (tấn công mục tiêu bằng một số loại tên lửa đánh chặn). Tuy nhiên,
hiệu quả của hệ thống BMD trong các lần thử nghiệm còn khác nhau và các
nhà phân tích quốc phòng tiếp tục nghi ngờ về khả năng tác chiến thực
sự của tên lửa trong điều kiện chiến đấu thực tế.
Các hệ thống phòng thủ tên lửa chính
Cơ quan phòng thủ tên lửa của Mỹ (MDA) đang phát triển một số hệ thống
có khả năng đối phó với các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo. Các hệ
thống này không được thiết kế để phòng thủ trước các cuộc tấn công hạt
nhân quy mô lớn từ Nga và Trung Quốc. Tính từ năm 2002 đến nay, MDA đã
chi khoảng 90 tỉ USD vào hệ thống phòng thủ tên lửa và có kế hoạch sẽ
chi cho hệ thống này khoảng 8 tỉ USD/năm đến năm 2017 - tương đương
khoảng 2% ngân sách quốc phòng.
Mô hình phân chia giai đoạn tên lửa.
Các nhà phân tích quốc phòng cho rằng, cho đến nay, hầu hết công nghệ
BMD vẫn chưa được minh chứng, thường chậm tiến độ, có chi phí quá lớn,
khả năng tác chiến thực sự có thể còn hạn chế khi xảy ra tình huống thực
tế. Trong năm 2009, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lần đầu tiên yêu cầu
xem xét đánh giá toàn diện về BMD, trong đó, ngoài việc nêu rõ các mối
đe dọa và chiến lược phát triển, thì Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ còn
phải tìm cách cải thiện các chương trình thử nghiệm, giám sát và hiệu
quả chi phí đối với BMD.
Chính quyền của Tổng thống Obama cũng hủy bỏ ba chương trình BMD, gồm:
Phương tiện tiêu diệt đa năng (tháng 4.2009); tên lửa đánh chặn năng
lượng Kinetic (tháng 5.2009) và tên lửa laser đường không (tháng
2.2012).
Hiện tại, quân đội Mỹ đang sở hữu bốn chương trình BMD bao gồm: Hệ thống
đánh chặn tên lửa trên mặt đất (GMD); hệ thống phòng thủ tên lửa đạn
đạo Aegis; hệ thống đánh chặn tên lửa giai đoạn cuối (THAAD); hệ thống
đánh chặn tên lửa tầm thấp giai đoạn cuối (PAC-3).
Hệ thống đánh chặn tên lửa trên mặt đất (GMD)
GMD là thành phần phức tạp và tốn kém nhất trong hệ thống phòng thủ tên
lửa của Mỹ, được thiết kế để tiêu diệt tên lửa đạn đạo chiến lược tầm xa
giai đoạn giữa bằng các tên lửa đánh chặn triển khai trên mặt đất.
Tính đến mùa xuân năm 2013, quân đội Mỹ đã triển khai 30 tên lửa đánh
chặn trong các hầm chứa ở căn cứ Fort Greely, bang Alaska và căn cứ
Vandenberg, bang California. Đồng thời, Mỹ có kế hoạch tăng con số này
lên 44 tên lửa đánh chặn vào năm 2017.
MDA thông báo, cho đến nay, có 7 trong tổng số 14 lần thử nghiệm thành công tên lửa đánh chặn loại này.
Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis
Hệ thống Aegis được coi là thành phần hiệu quả nhất trong hệ thống phòng
thủ tên lửa của Mỹ. Hệ thống Aegis thường được triển khai trên biển để
đánh chặn các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm cận trung sau khi được
phóng hoặc ngay trước khi tấn công mục tiêu.
Tàu chiến Mỹ thử nghiệm hệ thống Aegis.
Tính đến mùa xuân năm 2013, quân đội Mỹ có 24 hệ thống phòng thủ tên lửa
đạn đạo Aegis triển khai trên các tàu chiến của lực lượng hải quân, với
phần lớn biên chế hoạt động trong Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ. Quân
đội Mỹ có kế hoạch triển khai lên đến 38 tàu lớp Aegis vào năm 2015.
Tính đến tháng 2.2013, Lầu Năm góc thông báo có 24 lần thử nghiệm thành
công trong tổng số 30.
Hệ thống đánh chặn tên lửa giai đoạn cuối (THAAD)
THAAD là hệ thống phòng thủ tên lửa cơ động trên đất liền, có khả năng
đánh chặn các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm cận trung. Mỗi hệ thống
tên lửa THAAD có chứa tám tên lửa đánh chặn và được bắn từ một bệ phóng
gắn trên xe cơ động. Theo báo cáo thử nghiệm và đánh giá tác chiến năm
2008, Bộ Tư lệnh chiến lược Mỹ có ý định triển khai hệ thống THAAD “để
bảo vệ các cơ sở quan trọng trên toàn thế giới”.
Xe phóng hệ thống THAAD với 8 ống phóng tên lửa.
Vào tháng 4.2013, Lầu Năm góc công bố kế hoạch triển khai một trong ba
khẩu đội tên lửa THAAD tới Guam để bảo vệ các lực lượng Mỹ đóng trên
lãnh thổ đảo Thái Bình Dương.
Hệ thống đánh chặn tên lửa tầm thấp giai đoạn cuối (PAC-3)
PAC-3 là sự kế thừa của các hệ thống phòng thủ tên lửa được triển khai
trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 và là hệ thống phát triển hoàn
thiện nhất trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. PAC-3 được triển
khai nhanh chóng trên các bệ phóng cơ động, sử dụng các bộ cảm biến để
theo dõi và đánh chặn tên lửa tầm thấp giai đoạn cuối (thấp hơn so với
các hệ thống THAAD). PAC-3 đã được sử dụng rất thành công trong cuộc
chiến ở Iraq năm 2003. Hiện nay, các khẩu đội tên lửa PAC-3 đã được
triển khai tại một số quốc gia như Hàn Quốc, Afghanistan và Thổ Nhĩ
Kỳ... |