(phatminh.com) Đặc trưng nổi bật của chiến tranh hiện đại là vai trò lấn lướt của lực lượng tiến công đường không, đòi hỏi các hệ thống tên lửa phòng không phải liên tục được cải tiến và hoàn thiện để chủ động ngăn chặn “sấm sét”.
|
|
Kỳ 1: Huyền thoại SAM-2
Là tên lửa phòng không có hiệu suất chiến đấu cao nhất từ trước tới nay,
S-75 Dvina (còn gọi là SAM-2) liên tục nối dài bảng vàng thành tích để
trở thành huyền thoại khi “hạ gục” Không quân Mỹ trên bầu trời miền Bắc
Việt Nam.
SAM-2 là tổ hợp tên lửa đất đối không tầm cao được điều khiển bằng hệ
thống radar 3 tác dụng. Năm 1960, SAM-2 trở nên nổi tiếng khi lần đầu
tiên bắn rơi máy bay do thám U-2, niềm tự hào của Không quân Mỹ vào thời
điểm đó, ở độ cao 20km thuộc không phận Liên Xô.
“Hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn”
Chương trình máy bay ném bom tầm xa có thể mang vũ khí hạt nhân của Mỹ
vào thập niên 1950 với B-47, B-52 khiến giới lãnh đạo Liên Xô lúc ấy
không thể không quan ngại.
Năm 1953, Liên Xô bắt đầu phát triển hệ thống tên lửa phòng không đất
đối không SAM để thay thế pháo cao xạ từ Thế chiến 2 giờ không thể
“chạm” tới B-47, B-52. Nhiệm vụ của chương trình là phát triển tên lửa
có khả năng bắn hạ các loại máy bay ném bom tầm cao mà không có tính
năng né tránh vũ khí của đối phương.
Với tiêu chí đó, SAM không cần đổi hướng liên tục, chỉ cần tốc độ và có
khả năng vô hiệu hóa những biện pháp chống tên lửa của máy bay địch.
SAM-2 lần đầu tiên “trình làng” trong lễ duyệt binh nhân ngày Quốc tế
Lao động ở Moskva năm 1957.
|
SAM-2 khai hỏa. |
SAM-2 sử dụng radar cảnh báo sớm Spoon Rest với tầm hoạt động 275km.
Radar này cung cấp thông tin sớm về máy bay địch và chuyển về radar thu
nhận Fan Song.
Với tầm hoạt động 65km, Fan Song có nhiệm vụ xác định vị trí, cao độ và
tốc độ của máy bay địch. Tên lửa dùng trong hệ thống SAM-2 là V-750 hai
tầng, tầng phóng sử dụng nhiên liệu rắn, tầng động cơ chính sử dụng
nhiên liệu lỏng để duy trì quỹ đạo bay.
Với tầm bắn khoảng 45km và độ cao lên đến 27km, được dẫn đường bằng tín
hiệu radio, V-750 có thể hạ gục “pháo đài bay” B-52 bất cứ lúc nào.
Đầu đạn của SAM-2 là loại phân mảnh, nặng 195kg, chứa lượng thuốc nổ
tương đương 200kg TNT và tốc độ bay đạt Mach 3. Cách mục tiêu 60m, hiệu
ứng vô tuyến sẽ kích hoạt và đầu đạn tự nổ. Khi đó, máy bay đối phương
cùng lúc chịu sức ép cực mạnh của sóng xung kích và sức nóng ngàn độ của
quả cầu lửa 12 nghìn mảnh đạn “bung” ra.
Điểm yếu của SAM-2 là nhiên liệu lỏng ở tầng 2, gồm 2 chất riêng biệt,
rất độc hại và thường xuyên phải thay thế. Ngoài ra, radar Fan Song và
Spoon cũng rất dễ bị vô hiệu hoá khi bị gây nhiễu mạnh.
Hệ thống SAM-2 được tổ chức theo cơ cấu trung đoàn với 3-4 tiểu đoàn hỏa
lực và một tiểu đoàn kỹ thuật. Mỗi tiểu đoàn hỏa lực có 6 bệ phóng và 6
tên lửa thường trực, các radar sục sạo mục tiêu, radar ngắm bắn và
radar điều khiển (kết hợp radar cảnh giới của trung đoàn)...
SAM-2 bắt đầu được triển khai ở Liên Xô từ năm 1957 và kết thúc vào giữa
thập niên 1960 với khoảng 1.000 trận địa. Ngoài Liên Xô, SAM-2 cũng
được triển khai ở Đông Âu như “chiếc ô” bảo vệ bầu trời cho tất cả các
thành viên khối Warsaw.
Sau này, SAM-2 được bán, hoặc viện trợ cho các nước như Trung Quốc,
CHDCND Triều Tiên, Cuba, Ai Cập, Syria và cuối cùng là Việt Nam.
Trước khi đến Việt Nam, bảng thành tích của SAM-2 được ghi nhận với
những cái tên “tế thần”: 2 chiếc U-2 của Mỹ (bị bắn rơi ở Liên Xô và
Cuba) và nhiều máy bay trinh sát RB-57 của Đài Loan (bị Trung Quốc bắn
rơi).
Sức mạnh thần kỳ của "SAM Việt Nam"
Ngay trận đầu ra quân (24/7/1965), Tiểu đoàn 63 và 64 (Trung đoàn 236 -
một trong hai trung đoàn SAM đầu tiên của QĐNDVN) đã bắn rơi 2 chiếc
F-4C trên bầu trời Hà Tây, mở màn những chiến công vang dội của quân dân
ta, và đẩy Không lực Mỹ lâm vào thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử. Đ
ể khống chế sức mạnh thần kỳ của SAM-2 và trí lực của quân đội ta, Mỹ đã
nghiên cứu SAM-2 thu được từ cuộc chiến 6 ngày giữa Ai Cập-Syria với
Israel ở bán đảo Sinai.
Sau đó, Mỹ đã chế ra máy phát nhiễu ALQ-71 nhằm vô hiệu hoá khả năng dẫn
đường của radar, nhằm biến SAM-2 trở thành “trò chơi” của B.52.
|
SAM-2 đã góp phần lập nên một Điện Biên Phủ trên không năm 1972. |
Thế nhưng, sức sáng tạo Việt không chấp nhận lùi bước. Sau một số lần
phóng tên lửa không trúng đích, hoặc không điều khiển được, các kỹ sư
Quân đội Nhân dân Việt Nam cùng chuyên gia Liên Xô nhận định: radar bị
gây nhiễu.
Khi dùng biện pháp thu sóng cộng chụp ảnh, chúng ta đã phát hiện ra dải
tần số, cường độ của loại nhiễu này, và khắc phục bằng phương pháp “át
nhiễu” với việc nâng công suất sóng radar lên gấp 3 lần, đủ sức vượt qua
cường độ nhiễu không chỉ của ALQ-71, mà cả những loại có công suất lớn
hơn như ALQ-101, ALQ-107.
Từ 1965-1972, hệ thống radar của SAM-2 đã được cải tiến 4 lần với 40 nội
dung kỹ thuật để bắt kịp cuộc chiến tranh điện tử của Không quân Mỹ.
Đánh theo cách đánh của Việt Nam, ta đã sử dụng yếu tố bất ngờ, phục
kích và lập ra các trận địa SAM-2 giả để đánh lừa Không quân Mỹ…
Với ý chí kiên cường, lòng dũng cảm và sức sáng tạo của cả dân tộc,
chúng ta đã biến “những cuộc dạo chơi trong đêm phương Đông” mà phi công
Mỹ vẫn được rao giảng thành nỗi khiếp đảm một thời.
Trong 8 năm (1965-1972), các đơn vị tên lửa SAM-2 của Quân đội Nhân dân
Việt Nam đã đánh 3.542 trận, bắn rơi 788 máy bay Mỹ, trong đó có 43 máy
bay B-52. Việt Nam trở thành nước duy nhất trên thế giới sử dụng tên lửa
SAM-2 tiêu diệt máy bay B-52 với một hiệu suất đáng nể 7,1 tên
lửa/B-52.
Tạp chí “Không quân Mỹ” từng cay đắng thừa nhận: “B-52 đã được tung ra
với số lượng lớn chưa từng có, để cuối cùng Tổng thống phải chấp nhận
một kết cục bi thảm chưa từng thấy!" |
|
|
|
|
|