Một chiếc Humvee M1043 phóng tên lửa diệt tăng TOW trên chiến trường Iraq (2003).
Humvee được nghiên cứu và sản xuất nhằm thay thế các loại xe bọc thép
chở quân khác phục vụ trong Quân đội Mỹ từ những năm 70 của thế kỷ XX
như Jeep, M151, M561 “Gama boat” và các loại xe chở quân hạng nhẹ khác.
Hiện nay, Humvee là loại xe chở quân bọc thép đa chức năng tiêu chuẩn
của Quân đội Mỹ.
Mặc dù là một loại xe sử dụng cho mục đích quân sự nhưng Humvee cũng
được khá nhiều tổ chức trên thế giới sử dụng với mục đích từ thiện và
cứu trợ nhân đạo. Chiến sự vịnh Persian là nơi đầu tiên mà Humvee được
tung hoành trên trận mạc, nó đã chứng mình được khả năng của mình nhờ
tốc độ tuyệt với, lớp giáp chắc chắn và khả năng tác chiến đô thị linh
hoạt, từ đó về sau Humvee được sử dụng rộng rãi trên quy mô toàn cầu.
Humvee sử dụng hệ thống giá treo độc lập và hệ thống trục động cơ được
treo sát gầm xe ở giữa thân nhằm thêm được 16 inch (40,6cm) khoảng trống
trong xe cho xạ thủ sử dụng vũ khí gắn trên trần xe. Nó sử dụng hệ
thống phanh đĩa ở cả 4 bánh và hệ thống giảm xóc bằng thủy lực được dàn
đều trên các mômen quay. Humvee có thể sử dụng cho nhiều mục đích, tuy
nhiên, nó được sử dụng cho mục đích chở quân và tác chiến nội đô là chủ
yếu, trong một số trường hợp có thể trở thành xe cứu thương trên chiến
trường.
Về hệ thống hỏa lực trên xe thì ban đầu, Humvee không được trang bị vũ
khí nào và đóng vai trò đơn thuần là xe chở quân bọc thép hạng nhẹ. Tuy
nhiên, về sau, để đối phó với những nguy hiểm trên chiến trường, nó được
cân nhắc trang bị các loại vũ khí hạng nặng như tên lửa chống tăng M220
TOW, ngoài ra nó còn được trang bị rocket hoặc 1 khẩu pháo hạng nhẹ
M119 howitzer. Ở một số phiên bản phục vụ cho mục đích phòng không, chủ
yếu là máy bay tấn công mặt đất, Humvee được trang bị hệ thống tên lửa
Stinger, kết hợp radar đa chức năng được trang bị trên xe.
Humvee được trang bị hệ thống phòng không Stinger dẫn đường bằng laser.
Trọng lượng tải tối đa của Humvee là 2.700kg, chưa tính cả khối lượng
thép được bọc bên ngoài xe. Các phiên bản M1025/M1026 và M1043/M1044
được trang bị một khẩu minigun M134 nòng xoay, có thể quét sạch mọi lực
lượng bộ binh và các xe bọc thép hạng nhẹ trên đường của nó. Nhưng điểm
yếu của khẩu minigun là phải hoạt động bằng điện, nếu nguồn điện bị cắt
thì nó chỉ như một khẩu súng đồ chơi, không có khả năng hoạt động. Do
đó, có một số lựa chọn súng chống bộ binh khác như M249 LMG, M240 G/B
hoặc một khẩu súng phóng lựu tầm trung Mk 19.
Lịch sử phát triển
Phiên bản Cheetah do Lamborghini cải tiến cho Quân đội Mỹ.
Cuối thập niên 70 của thế kỷ XX, các quan chức Bộ quốc phòng Mỹ nhận
thấy giải pháp quân sự hóa và bọc thép các loại xe phục vụ với mục đích
dân dụng không đáp ứng được những yêu cầu cấp thiết trên chiến trường.
Nó quá mỏng manh và dễ bị hạ bởi các tên lửa chống tăng.
Năm 1997, Lamborghini phát triển một mẫu xe tác chiến đa địa hình, được
bọc thép nhằm trang bị cho Quân đội Mỹ. Tuy nhiên, tướng lĩnh của Mỹ lại
không đánh giá cao mẫu xe có tên Cheetah của Lamborghini cho lắm vì nó
không phù hợp với Quân đội Mỹ, hơn nữa giá thành cũng là một điểm trừ
cho nó, cộng thêm vào đó là chi phí bảo dưỡng quá đắt đỏ.
Sau đó 2 năm, Bộ quốc phòng Mỹ khởi động dự án HMMWV nhằm tìm kiếm một
nhà thầu đủ khả năng để chế tạo ra một loại xe đa chức năng cơ động mới
để biên chế cho các lực lượng quân đội Mỹ. Lúc này, AM General (công ty
con của Hãng American Motors ) bắt tay vào việc nghiên cứu và chế tạo ra
một loại xe đáp ứng được những yêu cầu kỹ thuật khắt khe từ Bộ quốc
phòng Mỹ. Sau đó, vào năm 1980, mẫu xe thử nghiệm đầu tiên được sản
xuất. Nó được kì vọng rất nhiều và đã đáp ứng được những yêu cầu từ phía
Quân đội Mỹ. Một năm sau, vào tháng 6-1981, AM General chính thức được
Quân đội Mỹ giao trách nhiệm phát triển mẫu xe HMMWV và một loạt các mẫu
xe đã được sản xuất nhằm phục vụ cho các mục đích khác nhau.
Từ năm 1981 đến năm 1990, đã có đến 200 chiếc Humvee được sản xuất nhằm
phục vụ cho các mục đích thử nghiệm và các bài kiểm tra giả định trên
chiến trường. Nó được đánh giá rất cao nhờ khả năng linh hoạt và tính cơ
động, bên cạnh đó là tốc độ tuyệt vời, có thể lên đến 70 dặm/h (hơn
120km/h). Năm 1991, Humvee được biên chế chính thức và các Lực lượng
Quân đội Mỹ, đầu tiên là Thủy quân lục chiến (USMC) sau đó là Biệt kích
(USAR). Với sự trợ giúp đắc lực của Humvee, các lực lượng này đã khiến
cho cục diện của chiến trường vịnh Persian nghiêng hẳn về quân đồng minh
và lực lượng của Saddam Hussein nhanh chóng bị gục ngã bởi những chiếc
Humvee quá tốt từ phía Mỹ.
Một chiếc Humvee được bọc thép kiên cố và được trang bị một khẩu M2 Browning trên trần xe.
Cho đến nay, Humvee đã được nghiên cứu và chế tạo ra đến 26 phiên bản
phục vụ cho các mục đích khác nhau từ dân sự, quân sự cho đến cứu trợ
nhân đạo. Với các loại hình sử dụng khác nhau thì lại có những thay đổi
cho phù hợp. Tuy nhiên, sử dụng nhiều nhất vẫn là loại bọc thép chở quân
có khả năng chiến đấu trên chiến trường M1043/M1044.
Hiện nay, có 68 quốc gia sử dụng loại xe Humvee, trong đó có một số nước
Đông Nam Á như Thái Lan. Hầu hết các quốc gia đều là đồng minh của Mỹ
hoặc là thành viên của khối NATO. Duy chỉ có Nga đã tích thu được 8
chiếc Humvee trong cuộc chiến Nam Ossetia vào năm 2008. |