Geckoella Jeyporensis, một loài thằn lằn nhỏ bé (chỉ dài 10cm) đã bị coi là tuyệt chủng trong suốt 135 năm. Gần đây, các nhà khoa học đã vô cùng vui mừng khi phát hiện sự tồn tại của nó ở Đông Ghats thuộc hai bang Orissa và Andhra Pradesh, Ấn Độ.
Gekoella Jeyporensis được tìm thấy sau 135 năm. Ảnh: Thehindu. |
Việc tái phát hiện loài này là kết quả của sự hợp tác giữa Trung tâm khoa học về hình thái học của Học viện khoa học Ấn Độ (CES-IISc), thành phố Bangalore; Hiệp hội Lịch sử Tự nhiên Bombay, thành phố Mumbai và Trường Đại học Villanova, Mỹ. Tạp chí danh tiếng Hamadryad đã xác nhận khám phá này.
Varad Giri, nhà khoa học thuộc Hiệp hội Lịch sử Tự nhiên Bombay (BNHS), nói với IANS: "Đây là con thằn lằn thuộc họ Gekkonidae, họ các loài thằn lằn cổ nhất trong nhóm thằn lằn hiện đại. Chúng có hình dạng, cấu trúc cơ thể độc nhất vô nhị. Nó chỉ được biết đến vào năm 1877. Một sĩ quan người Anh, Đại tá R.H. Beddome ở Jeypore, bang Orissa đã phát hiện ra mẫu vật duy nhất về loài này”.
135 năm qua, các nhà khoa học đã thất bại trong việc lần theo dấu vết con thằn lằn độc đáo này. Do có rất ít tài liệu ghi chép về loài thằn lằn đặc biệt này nên các nhà khoa học đã cố gắng đi theo hành trình của đại tá Beddom ở Đông Ghat hơn một thế kỷ trước.
Từ 2008-2009, Ishan Agarwal, nghiên cứu sinh của CES-IISc đã nỗ lực tìm kiếm những loài đã mất để tìm hiểu lịch sử tiến hóa. Khi có niềm tin rằng còn tồn tại cá thể thằn lằn này, Aniruddha Datta-Roy, một nghiên cứu sinh khác và Tarun Khichi đã tham gia tìm kiếm.
Sau một cố gắng thất bại, nhóm nghiên cứu đã thử vận may của mình một lần nữa vào năm 2011. Lần này, họ đã thành công. Họ tìm thấy loài thằn lằn này trong một khu rừng ở độ cao 1280m trên đồi Patinghe, Jeypore ở Eastern Ghats.
Andhra Pradesh. Agarwal vui mừng nói: "Phải kiên trì và cần một chút may mắn. Cuối cùng, chúng tôi đã được đền đáp xứng đáng. Đây là một sự bổ sung ý nghĩa cho 190 loài thằn lằn hiện đang sinh sống ở Ấn Độ”.
Sau những khám phá thú vị, Giri và Aaron Bauer của Đại học Villanova, Mỹ, đã nghiên cứu nguyên tắc phân loại của các loài. Họ xác nhận “đã tái phát hiện loài thằn lằn tuyệt chủng”.
Đây là loài duy nhất ở Ấn Độ có các mảnh sừng sáu cạnh mở rộng như những chiếc vảy dọc trên lưng. Nó cũng là loài thằn lằn đẹp nhất với chiếc lưng màu vàng – nâu và rất nhiều vệt màu chocolate loang lổ dọc thân. Loài này có hình thái học và đặc hữu độc đáo. Chúng chỉ sống ở một khu vực phân định địa lý hoặc hệ sinh thái rõ ràng đó là vùng Đông Ghats, trong khu rừng ở độ cao trên 1.000m.
Phát hiện này cảnh báo các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh bảo vệ khu vực này cùng hệ động thực vật đang sinh sống tại đây. Bởi đa dạng sinh học ở vùng Đông Ghats phong phú hơn chúng ta tưởng. Và các loài khác rất có thể không thực sự bị tuyệt chủng, chúng đang chờ được khám phá.