Bắt đầu từ năm 2009, đây là đợt khai quật khảo cổ lần thứ ba liên quan đến triều đại nhà Tần, sau các lần năm 1974 và 1985, theo Guardian. Những chiến binh đất nung, được phát hiện tại khu bảo tồn di sản thế giới về Tần Thủy Hoàng tại thành phố Tây An, trước đó đã bị lấy mất vũ khí, bị đập phá và đốt, theo Nhật báo Thượng Hải. Khu khai quật lăng mộ Tần Thủy Hoàng
Theo các quan chức của Bảo tàng chiến binh đất nung và ngựa chiến của Tần Thủy Hoàng thì Hạng Vũ, một tướng đương thời, người lật đổ triều Tần được cho là tác giả vụ đốt phá lăng mộ Tần Thủy Hoàng. “Chúng tôi đã tìm thấy số lượng lớn đất sét đỏ, than củi và những hố đào tại khu vực khảo cổ", Thẩm Mao Thắng, lãnh đạo nhóm khảo cổ nói: “Có dấu hiệu của sự đốt phá”. Tính từ năm 2009 đến nay, người ta đã đã tìm thấy hàng ngàn chiến binh và ngựa bằng đất nung, cỡ bằng người thật, tại ba điểm khai quật cùng khu vực. Năm 1974, các nông dân ở quận Lâm Đồng, thành phố Tây An, Thiểm Tây vô tình tìm thấy những tượng đất nung trong đất tại một khu vực gần lăng mộ Tần Thủy Hoàng, vị hoàng đế đã thống nhất Trung Quốc ở thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên. Hơn 8.000 tượng chiến binh, 130 chiến xa, 520 ngựa và 150 kỵ binh được khai quật tại một khu vực rộng 14.000m2. Đây mới chỉ là một góc nhỏ của khu vực lăng mộ. Tuy nhiên, hầu hết vũ khí (đồ thật) như giáo, kiếm và kích đã biến mất, Tào Ngụy, phó giám đốc bảo tàng nói. “Chính Hạng Vũ, người đứng đầu lực lượng nổi dậy mới có đủ sức mạnh, thời gian và động cơ cướp phá khu vực lăng mộ”, nhà khảo cổ họ Thẩm nói. Hạng Vũ rất căm ghét Tần Thủy Hoàng, và đó là động cơ ông ta cho phá hủy “những người bảo vệ lăng mộ” (các chiến binh đất nung) của vị vua nhà Tần. Hạng Vũ cũng cần vũ khí để chống lại quân đội nhà Tần bởi vào thời điểm đó, nhà Tần cấm sản xuất vũ khí trên toàn Trung Quốc, các nhà khảo cổ cho biết. Hầu hết tượng đất nung trong đợt khai quật này đã bị vỡ thành nhiều mảnh và các nhà khoa học phải xếp lại từng phần. Từ lâu đã có nghi vấn khu lăng mộ bị đốt phá nhưng chưa ai có bằng chứng cho đến đợt khai quật lần này. |