Giáo
sư Fred Gage, một nhà di truyền tại Viện nghiên cứu Salk ở Mỹ, thực
hiện hàng loạt nghiên cứu để so sánh mức độ hoạt động của não chuột khi
chúng bị nhốt trong chuồng trống rỗng và trong chuồng được trang trí,
Telegraph đưa tin.
“Trong vài tháng chúng tôi nhận thấy
thể tích não của những con chuột sống trong lồng được trang trí tăng
thêm 15%. Ngoài ra não của chúng có rất nhiều mạch máu và chúng tôi thấy
nhiều tế bào thần kinh mới được sinh ra”, Gage cho biết.
Theo Gage, nếu ngoại suy kết quả nghiên
cứu với người, chúng ta có thể nói người lao động không nên để không
gian làm việc trong tình trạng quá trống trải.
Craig Knight, một tiến sĩ tâm lý của Đại
học Exeter, cho biết, sức khỏe và năng suất lao động của con người tăng
nếu chúng ta làm việc trong môi trường được trang trí theo ý thích cá
nhân.
Trong các thử nghiệm mà Knight và các
đồng nghiệp thực hiện, người lao động làm việc hiệu quả hơn trong văn
phòng có nhiều tranh, ảnh và cây. Khi người lao động được phép trang trí
văn phòng theo sở thích cá nhân, sức khỏe của họ tăng 32%, còn năng
suất lao động tăng 15%.
“Đó là vì người lao động cảm thấy thoải mái hơn, tập trung hơn với không gian mà họ tạo ra”, Knight nhận xét.
Văn phòng mở - mô hình văn phòng
không có tường hay vách giữa các bộ phận của công ty - làm giảm sức
khỏe và năng suất làm việc của người lao động.
Ra đời từ thập niên 50 của thế kỷ trước, văn phòng mở nhanh chóng trở nên phổ biến khắp thế giới.
Trong một chương trình trên kênh truyền
hình 4 của Anh, các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm đối với một nhà
phê bình kiến trúc. Họ yêu cầu ông đội một mũ gắn điện cực có khả năng
đo sóng não và làm việc trong một văn phòng mở. Kết quả cho thấy mức độ
phân tâm của nhà phê bình tăng lên so với khi ông làm việc trong văn
phòng nhỏ.
Tiến sĩ Jack Lewis, một trong những nhà thần kinh học tham gia thử nghiệm, nói: “Văn
phòng mở được thiết kế để người lao động có thể di chuyển và tương tác
thoải mái với đồng nghiệp. Người ta cho rằng văn phòng mở kích thích suy
nghĩ sáng tạo và giúp người lao động giải quyết vấn đề tốt hơn”.
Nhưng theo Lewis, thực tế không phải vậy.
“Nếu chuông điện thoại của ai đó reo
trong lúc bạn đang làm việc, nó sẽ phá hỏng sự tập trung của bạn. Ngay
cả khi bạn không để ý tới tiếng chuông, não của bạn vẫn phản ứng với âm
thanh ấy”, Lewis giải thích.