Thành công từ sáng tạo Đội có 6 thành viên: Phạm Quang Thái (Đội trưởng), Nguyễn Văn Hòa, Vũ Hoài Nam, Đỗ Ngọc Sỹ, Bùi Đức Nam, Bùi Văn Nam đều là sinh viên các lớp ôtô và máy tính. Các em mới chỉ tiếp thu kiến thức khoa học được một vài năm ngồi trên ghế nhà trường nhưng thành tích ở cuộc thi khiến những kỹ sư chuyên nghiệp của Công ty Honda Việt Nam nể phục và khen ngợi. Năm 2011, đội BK Auto đến từ Đại học Bách khoa Hà Nội chỉ đạt 333,975km/lít xăng. Năm 2012, đội TDU2 - Đại học Thành Đô với kết quả 389,259km thì năm 2013, Super Cub 50 đã đạt con số gấp đôi năm 2011. Sinh viên Phạm Quang Thái cho biết, từ kinh nghiệm của 3 lần tổ chức trước, đội Super Cub 50 đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm từ khâu thiết kế, chế tạo, vận hành, chạy thử chiếc xe của mình. Bằng mắt thường và một chút kiến thức về động lực học có thể hình dung ra những cách thức để giúp xe chạy tốn ít nhiên liệu. Đầu tiên, khâu thiết kế rất quan trọng nhằm đảm bảo khung xe, hình dáng xe phải đúng kiểu cách, thon đầu để chống lực cản của gió. Sau khi thiết kế, toàn đội đã ra chợ mua thiết bị để chế tạo xe. Ban Tổ chức cuộc thi cung cấp cho mỗi đội dự thi 1 động cơ 110cc và 20 triệu đồng. Từ động cơ này, các đội phải chế tạo được một chiếc xe tự chế với bất kể hình dáng, màu sắc với mục đích duy nhất là sử dụng 1 lít xăng chạy với quãng đường xa nhất.
Thầy Ngô Quang Tạo (thứ 3 từ trái sang) và các em sinh viên trong nhóm Super Cub 50 Công đoạn chế tạo được đội Super Cub 50 bắt tay làm từ sau tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 đến cuối tháng 3 thì hoàn thành. Dù chưa được như mong muốn nhưng chiếc xe tự chế đã ra đời đúng theo nguyện vọng của toàn đội cùng thầy cô trong khoa, nhà trường. Xe nặng chừng 45kg, dài hơn 2,8m và có hình dáng con thoi. Sau đó, đội di chuyển xe sang các cung đường vắng ở Hà Nội để tập luyện. Lái chính là em Vũ Hoài Nam, lớp Khoa học máy tính 1 K7 mới 19 tuổi nhưng được tin tưởng giao trọng trách lớn này. Hoài Nam tâm sự, xe máy thông thường đã được nghiên cứu chiều cao, tải trọng, thiết kế phù hợp với thể trạng của người Việt Nam nhưng lái chiếc xe tự chế Super Cub 50 này lại khác, người lái phải gần như nằm trên một tấm nệm, người gần như song song với mặt đường, điểm nhìn chỉ cao hơn mặt đường chừng 50cm. Ngoài ra, người lái bị che bởi tấm nhựa trong nên cảm giác như đang ngồi trong ôtô. Mặc dù chiếc xe có động cơ là xe gắn máy nhưng cách vận hành của người lái trông rất giống những xe đua kiểu F1 thường thấy trên các đường đua thế giới. Những ngày tháng luyện tập, đội thường chạy với đoạn đường trên dưới 500km/lít xăng. Lý giải việc luyện tập luôn có kết quả thấp hơn lúc thi, Đội trưởng Phạm Quang Thái cho biết, khi tập, yếu tố đường đua không đạt chuẩn khiến xe chạy trên đường không êm, cộng với lỗi kỹ thuật nên vừa chạy thử, cả đội vừa sửa chữa cho hoàn thiện. Tất cả sự chuẩn bị của các em sinh viên từ ngày đầu chế tạo đến thời điểm thi đấu chỉ gói gọn trong vòng 2 tháng - một quãng thời gian quá ngắn nhưng các em đã mang vinh quang về cho Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. Thi thố trên đất nước “siêu tiết kiệm” Tháng 10 tới, đội vô địch Super Cub 50 sẽ đại diện cho sức trẻ Việt Nam dự thi tại Nhật Bản - một quốc gia nổi tiếng về đức tính tiết kiệm. Cuộc thi ở Việt Nam hay ở Nhật Bản là muốn tạo một sân chơi bổ ích cho những người đam mê công nghệ. Nhưng theo thầy Ngô Quang Tạo, đội Super Cub 50 phải vượt qua chính mình, phát huy hết sức sáng tạo để chiếc xe chạy được quãng đường khoảng 700km/lít xăng. Vũ Hoài Nam, người lái chính tỏ ra rất quyết tâm: Em sẽ khắc phục một số lỗi khi lái xe ga quá đà, tránh va chạm với xe đội bạn và đặc biệt phải vận dụng chiến thuật hợp lý bởi đường đua bên Nhật là hình tròn.
Chiếc xe này sẽ đại diện cho sinh viên Việt Nam tham dự cuộc thi tại Nhật Bản Vào những ngày này, lúc nào có thời gian, cả đội lại lên xưởng để ngắm lại chiếc xe và chuẩn bị thiết kế lại phần vỏ. Dưới sự tư vấn, hướng dẫn của thầy Ngô Quang Tạo, các sinh viên vẫn ngày đêm miệt mài nghiên cứu để chiếc xe đạt tối ưu nhất. Hằng ngày, thầy Ngô Quang Tạo cùng các em sinh viên vẫn miệt mài bên chiếc xe tự chế để "bày binh bố trận" cho cuộc thi sắp tới. Nhưng theo thầy Tạo, ý nghĩa của cuộc thi không gì khác là làm cho dư luận thấy được ý nghĩa của việc tiết kiệm năng lượng trong sử dụng phương tiện giao thông. Thầy Tạo bật mí, một chiếc xe sẽ tiết kiệm năng lượng nếu nó giảm được các lực cản từ ma sát trong động cơ, phần truyền lực, bánh xe với mặt đường, lực cản của người lái và trọng lượng. Thay dầu đúng định kỳ cũng là một biện pháp giúp chiếc xe máy hoạt động trơn tru, tốn ít nhiên liệu. Hiện nay, có một số cửa hàng tác động vào chiếc xe giúp sinh công nhiều hơn trong quá trình truyền lực. Thầy Ngô Quang Tạo chia sẻ, điều này cũng rất tốt nhưng xe đó chỉ nên chạy với tải trọng một người hoặc không đèo hàng. Nếu là xe thường xuyên có tải trọng 2 người hoặc đèo hàng thì việc tác động vào bộ chế hòa khí là không nên, tuổi thọ của động cơ sẽ giảm. Các hãng xe của Nhật, đặc biệt là Honda đã đi đầu trong tiết kiệm nhiên liệu nên khâu sản xuất đã tối ưu hóa khâu này. Thầy Tạo khuyến cáo người sử dụng xe máy không nên chỉnh sửa gì ở động cơ mà nên lái xe đúng cách, bảo dưỡng định kỳ và lái xe an toàn. Trong thời đại nhiên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt, yêu cầu kiểm soát khí thải ngày càng khắt khe thì những sáng tạo của giới trẻ trong tiết kiệm nhiên liệu thật đáng hoan nghênh và nên có nhiều cơ chế khuyến khích, động viên kịp thời. Điều mong muốn của sinh viên nhóm Super Cub 50 cũng như bao nhóm sáng chế khác là những công sức làm ra được ghi nhận và nhân rộng ra toàn xã hội để lan tỏa và động viên trí tuệ của đại chúng.
|