Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Hà Nội thực nghiệm trên chiếc Honda Dream II với hai mẫu xăng so sánh: xăng RON 92 đạt chuẩn; và xăng gồm 85% chuẩn với 15% methanol tính về thể tích. Thời gian chạy thử là 60 phút. Các nhà khoa học thực nghiệm vận hành xe với xăng methanol ở chế độ không tải, không làm mát động cơ, rút hết xăng có sẵn trong xe, đổ 1 lít xăng pha 15% methanol vào bình. Cây xăng ở Hà Nội bị phát hiện có hàm lượng methanol 15% trong xăng. (Ảnh: Tuệ Minh)
Khởi động động cơ ở trạng thái nguội (bằng nhiệt độ môi trường) và theo dõi, ghi chép nhiệt độ tại các vị trí gắn đầu đo nhiệt độ 10 phút/ lần. Khi theo dõi được gần 50 phút thì động cơ vận hành không ổn định, liên tục chết máy, phải khởi động lại và đến 60 phút thì chết máy hẳn, không khởi động lại được, phải dừng thực nghiệm. Kết quả so sánh nhiệt độ thân máy cho thấy, ở phút đầu tiên, xăng pha methanol có nhiệt độ 21,2 độ, còn xăng chuẩn 19,8 độ C. Phút 40, tương ứng là 58,1 và 51,3. Đến phút 60, xăng pha methanol là 67,6 và xăng chuẩn là 60,9 độ C. Theo ông Phạm Trung Chính, Chi cục trưởng Chi cục trên, với điều kiện vận hành không tải thì nhiệt độ tại thân động cơ khi vận hành với xăng pha 15% methanol tăng khoảng 10% so với khi vận hành bằng xăng chuẩn. "Vận hành không tải với xăng pha methanol khoảng 50 phút, động cơ hoạt động không ổn định và liên tục chết máy", ông Chính khẳng định. Methanol là chất không màu, bay hơi tốt và khả năng cháy cao, phù hợp để làm nhiên liệu cho động cơ đốt trong. Hai hướng sử dụng chính là dùng trực tiếp hoặc pha vào xăng. Tuy nhiên, việc dùng metanol làm nhiên liệu trên thế giới ngày càng giảm. Tại Mỹ, tỷ lệ pha cho phép rất thấp, có bang cấm pha methanol vào xăng. Tỉnh Sơn Tây của Trung Quốc cho phép xăng pha 15% metanol. Trong thời gian qua, nhiều vụ xe máy và ô tô cháy liên tiếp khiến người tiêu dùng lo ngại rằng xăng không đảm bảo chất lượng, pha phụ gia hoặc tạp chất là một nguyên nhân gây cháy xe. Tuy nhiên các nhà khoa học cho rằng cháy xe là do nhiều yếu tố, cần kiểm tra giám định cụ thể để đi đến kết luận. Trước đó, tại Hà Nội, Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã phát hiện một địa điểm bán xăng có hàm lượng methanol lên đến 15,3% thể tích. Hầu hết các chuyên gia cho rằng, đây là tỷ lệ quá cao. Điều này sẽ làm tăng khả năng cháy, nguy cơ cháy nổ cao hơn. Methanol được coi là một phụ gia trong xăng. Các đơn vị kinh doanh xăng nếu muốn pha chất này vào phải xin phép và được sự đồng ý của Bộ Khoa học và Công nghệ. |