Công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Nga - Mỹ vừa công bố trên chuyên san American Journal of Human Genetics cho thấy tổ tiên gần nhất về mặt di truyền của thổ dân châu Mỹ đến từ một vùng đất thuộc Siberia, ngày nay là Cộng hòa Altai thuộc Nga. Theo giáo sư chuyên ngành nhân loại học Theodore Schurr của Đại học Pennsylvania, Altai giáp với Mông Cổ, Trung Quốc và Kazakhstan nên lâu nay được xem là một mắt xích quan trọng trong các cuộc di cư của nhiều cộng đồng dân cư từ hàng chục ngàn năm qua. Cũng từ vùng đất này, các nhà “thám hiểm” xa xưa đã vượt qua eo biển Bering (khi ấy vẫn còn là đất liền do trái đất vẫn trong thời kỳ băng hà, nước đóng băng trên diện rộng) để đặt chân đến Nam Mỹ từ 20.000 - 25.000 năm trước. Từ Siberia, người Altai đã vượt eo biển Bering để trở thành những cư dân đầu tiên của châu Mỹ
Nhóm nghiên cứu đã phân tích ADN nhiễm sắc thể Y (chỉ truyền từ cha cho con trai) của thổ dân châu Mỹ và cư dân bản địa phía nam Altai và phát hiện một dạng đột biến gene chỉ có ở 2 nhóm người này. Một thí nghiệm tương tự trên gene của ti thể (chỉ truyền theo dòng mẹ - con gái) cũng cho thấy người châu Mỹ và người Altai giống nhau ở một số điểm rất đặc trưng về di truyền. Bên cạnh đó, các nhà khoa học đã tính toán thời gian để những đột biến nói trên xuất hiện rồi ước lượng thông tin di truyền của người Altai bắt đầu phân tách với người châu Mỹ từ 13.000 - 14.000 năm trước. Điều này khá phù hợp với những tài liệu khoa học trước đây nhận định cuộc di cư đầu tiên từ Siberia sang châu Mỹ cách đây khoảng 15.000 - 20.000 năm. Việc xác định cụ thể Altai chính là “cái nôi về di truyền” của người châu Mỹ là một bước tiến quan trọng của ngành nhân loại học. Nguyên nhân vì eo biển Bering được xem là “cầu nối”chính để sang châu Mỹ cách đây hàng chục ngàn năm nên trải qua thời gian, có khá nhiều nhóm dân cư đã cùng chọn con đường này. Nhiều nhóm nghiên cứu khác đã không thể tìm ra gốc tích chính xác của tổ tiên người châu Mỹ tại lục địa Á Âu rộng lớn. |