Thấy miệng con há hốc, cơ thể tím tái vì không thở được, chị Hoa lật đật chạy đi gọi bác sĩ. Chưa đầy hai tiếng chị đã phải 4 lần nhờ các y tá đến hút đàm nhớt cho đứa con gái mới lên 3 tuổi. Vẻ mặt còn hớt hải, chị cho biết: “Tuần trước, trời nắng nóng, tôi thường bật quạt số lớn cho con ngủ trưa. Khi bé tỉnh dậy thì có biểu hiện nghẹt mũi, khó thở. Tối đến, bé bắt đầu có biểu hiện quấy khóc sốt cao. Hôm sau tôi đưa con đi phòng mạch tư khám, bác sĩ nói bé bị viêm mũi nên cho thuốc về uống và nhỏ mũi. Ba ngày sau bệnh tình không thuyên giảm, tôi đưa con đến bệnh viện Nhi Đồng 1, bác sĩ kiểm tra và kết luận bé bị viêm phổi”. Khu hỗ trợ hô hấp, bệnh viện Nhi Đồng 2 không còn chỗ chen chân Tại phòng Cấp cứu, khoa Hô hấp bệnh viện Nhi Đồng 2, vợ chồng anh Nguyễn Văn Sơn (33 tuổi, ngụ tại Đồng Nai) cũng trong cảnh rối ruột vì đứa con trai mới được 9 tháng tuổi đã nhập viện 4 ngày nhưng bệnh tình vẫn còn nặng. Mắt đăm đăm nhìn từng nhịp thở khó nhọc của con, anh cho biết: “Vợ chồng tôi đều làm công nhân nên hàng ngày đều phải gửi con ở nhà trẻ tư nhân khi tan ca mới đón bé về. Đang chạy trên đường thì mưa lớn bất ngờ trút xuống khiến bé bị ướt. Chiều hôm sau tôi đến đón con thì thấy bé ngủ li bì, cơ thể nóng hầm hập. Ngay trong đêm vợ chồng tôi chuyển con lên bệnh viện Nhi Đồng 2, bác sĩ cho biết con tôi bị viêm phế quản rất nặng”. Mỗi ngày hai bệnh viện Nhi Đồng trên địa bàn thành phố đang phải tiếp nhận hàng nghìn bệnh nhi trên địa bàn và các tỉnh lân cận đến khám và điều trị. Những ngày bình thường, khoa Hô hấp, bệnh viện Nhi Đồng 1 chỉ phải tiếp nhận và điều trị cho khoảng 150-170 trẻ nhưng khoảng gần một tuần nay số bệnh nhi nhập viện tại khoa bắt đầu tăng nhanh. Số liệu thống kê ngày 16/7 cho thấy, khoa Hô hấp của bệnh viện này đang phải điều trị cho 250 trẻ. Tại khoa hiện tại chỉ có hơn 100 giường bệnh nên mỗi giường đều phải nằm ghép từ 2-3 trẻ. Khu vực hành lang cũng rơi vào tình trạng quá tải Tình trạng căng thẳng hơn đang xảy ra tại bệnh viện Nhi Đồng 2 khi mỗi ngày bệnh viện đều phải tiếp nhận hàng nghìn trẻ đến khám trong đó gần 1/3 bệnh nhi đến khám và điều trị các bệnh về đường hô hấp. BS Trần Thị Thu Loan, Trưởng khoa Hô hấp cho biết, sáng ngày 17/7, khoa đang điều trị cho 330 bệnh nhi nội trú. Chỉ vào phòng bệnh, BS Loan chia sẻ: “Bình thường chỉ có khoảng trên dưới 130 bệnh nhân, hôm nay mỗi giường đã nằm ghép từ 2-3 bé nhưng vẫn không đủ chỗ. Cũng theo BS Loan, từ đầu tuần đến nay, số ca bệnh bắt đầu tăng nhanh. Đây là loại bệnh có tính chất chu kỳ, thường tăng cao vào cuối tháng 7 và duy trì cho đến hết tháng 9 mới bắt đầu giảm. Thời tiết thất thường chính là nhân tố tạo điều kiện thuận lợi cho vi-rút gây bệnh lưu hành trong môi trường. Các chứng bệnh viêm tiểu phế quản do siêu vi kết hợp với tình trạng bội nhiễm khiến cơ thể trẻ suy giảm sức đề kháng. Mỗi giường đều phải nằm ghép từ 2 đến 3 bé Ngoài những tác nhân về thời tiết thì môi trường dơ bẩn, ô nhiễm không khí; việc sử dụng các loại thức ăn không đảm bảo vệ sinh; sống trong môi trường có vi-rút, vi khuẩn gây bệnh cũng ảnh hưởng đến sức khỏe hô hấp của trẻ. Trẻ mắc bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh diễn tiến nặng có thể dẫn đến tử vong. Để tránh cho trẻ mắc phải những chứng bệnh về đường hô hấp, bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh phải cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng; Thường xuyên vệ sinh cơ thể trẻ và đồ chơi của trẻ; Không để trẻ tiếp xúc với môi trường khói bụi và khói thuốc lá; Không cho trẻ nằm quạt hoặc nằm máy lạnh quá lâu khi thời tiết nắng nóng, giữa ấm cơ thể của trẻ khi thời tiết chuyển lạnh; hạn chế đưa trẻ đi ngoài đường để tránh mưa, tránh nắng. |