| Nhân viên cứu hộ tìm kiếm nạn nhân mắc kẹt trong tàu Costa Concordia. Ảnh: AP. |
Chuông báo động trên tàu Costa Concordia vang lên khoảng ba giờ sau khi nó khởi hành từ cảng Civitavecchia để tới cảng Savona ở phía tây nam Italy vào đêm 13/1. Tàu lật khiến 5 người thiệt mạng và hơn 4.000 người phải sơ tán. Nhiều hành khách kể một tiếng nổ vang lên và các bóng điện phụt tắt vào khoảng 22h30 tối hôm đó. Malcolm Latarche, tổng biên tập tạp chí hàng hải IHS Fairplay Solutions, nhận định tiếng nổ đó có thể phát ra từ buồng máy. Theo ông, Costa Concordia có 6 máy phát điện sử dụng dầu diesel để cấp điện cho cả tàu. Song, giống như mọi máy phát điện khác, chúng luôn đối mặt với nguy cơ tăng điện áp đột ngột - nguyên nhân khiến máy quá tải và ngừng hoạt động, Telegraph cho biết. "Tiếng nổ mà nhiều hành khách nghe thấy có thể là hậu quả của hiện tượng điện áp tăng đột ngột. Tàu cũng có các máy phát điện dự phòng, song rất có thể chúng cũng tê liệt", Latarche giải thích. Do không có điện, hệ thống định vị của tàu ngừng hoạt động khiến nó di chuyển lệch khỏi hải trình dự kiến. "Khi điện tới các motor đẩy chính của tàu bị cắt, con người sẽ mất khả năng điều khiển tàu. Bạn sẽ không thể điều chỉnh tốc độ và hướng của tàu cho tới khi các hệ thống được cấp điện trở lại. Có vẻ như sự cố xảy ra khi tàu Costa Concordia di chuyển quá gần bờ và trong vùng nước nông. Vì thế tàu tiếp tục tiến về phía bờ và đâm phải đá ngầm", Latarche nói. Mọi tàu biển chỉ có thể nổi khi chúng cách đáy một khoảng cách nhất định. Một khi tàu đã chạm vào cát, việc nó lật chỉ còn là vấn đề thời gian. "Một tàu du lịch không thể nổi nếu khoảng cách giữa nó và đáy biển dưới 6 m. Nếu Costa Concordia mắc cạn trên một bờ biển bằng phẳng với bùn mềm thì nó sẽ không bị lật. Trong những điều kiện khác lật là hậu quả hiển nhiên sau khi tàu mắc cạn", Latarche phát biểu. Latarche cho rằng nếu thuyền trưởng không thể điều khiển tàu, ông ta chỉ có một lựa chọn duy nhất là nhìn tàu tiến thẳng. Đó là lý do tại sao tàu lao vào vùng nước nông gần bờ. Nhưng Latarche cũng đoán viên thuyền trưởng quyết định lái tàu vào bờ để các xuồng cứu sinh có thể bơi vào bờ nhanh hơn. Bất chấp tai nạn của Costa Concordia, Latarche khẳng định những tàu du lịch trên biển theo tiêu chuẩn quốc tế ngày nay có mức độ an toàn rất cao. Song ông cũng thừa nhận rằng, nếu tình huống khẩn cấp xảy ra trên tàu du lịch cỡ lớn, sơ tán toàn bộ hành khách là việc rất khó. Tổ chức Hàng hải Quốc tế quy định những tàu du lịch phải có khả năng trở về cảng trong trường hợp mất điện hoàn toàn hoặc hỏa hoạn, vì thế sơ tán là hoạt động không cần thiết trong quy trình xử lý sự cố. "Nếu một tàu chở hàng nghìn người, họ cần được cung cấp nước, thức ăn, những thứ để giữ ấm cơ thể và bài tiết trong tình huống khẩn cấp. Vì thế những tàu du lịch hiện đại phải kiêm luôn vai trò xuồng cứu sinh nếu sự cố xảy ra", ông bình luận. |