Cóc Titicaca
Loài lưỡng cư này có cái tên gây cười vì
xuất xứ ở hồ Titicaca, nằm ở độ cao 3.048 mét trên mực nước biển ở Nam
Mỹ. Đây là khu vực có không khí loãng và do đặc điểm sinh học là thở qua
da nên điều kiện môi trường dường như có chút thách thức đối với loài
cóc Titicaca. Tuy nhiên, chúng đã tìm ra giải pháp: thêm da. Phần da bổ
sung này tạo thành lớp áo khoác lùng nhùng bên ngoài những con cóc mà
nếu được căng ra có thể trải rộng tới hơn 0,5 mét. Sáng kiến thêm da có
thể giúp cóc Titicaca hô hấp tốt hơn ở nơi không khí loãng nhưng đồng
thời cũng khiến chúng trông khá luộm thuộm và gớm ghiếc.
Nhím
Lớp áo gồm 30.000 chiếc gai sắc nhọn có
thể giúp bảo vệ nhím khỏi các động vật săn mồi, nhưng lại không giúp gì
cho mối quan hệ cộng đồng của loài động vật này: các con nhím khác không
hề miễn dịch trước vết đâm đau nhói từ lông đồng loại. Trong thực tế,
cuộc sống của một con nhím cũng bị đe dọa bởi chính lớp áo khoác tua tủa
sắc nhọn của nó. Nếu một con nhím thèm muốn lá và cành cây nhỏ, nó sẽ
leo lên cây để có được những gì mình muốn. Vấn đề là, nhím thường bị ngã
khỏi cây và bị chính lông của mình đâm thương tích. Đúng là lợi bất cập
hại!
Cua kéo đàn đực
Các con đực thuộc loài cua kéo đàn được
trang bị một cái càng có trọng lượng chiếm tới 65% tổng trọng lượng toàn
cơ thể của nó. Chiếc càng "siêu khủng" này được sử dụng để thu
hút các con cái và trong trường hợp này, kích cỡ làm nên chuyện. Các
cua cái thường tuyển lựa kỹ lưỡng hơn 100 bạn tình trước khi quyết định
gắn bó với "chàng" nào đó. Thật không may, chiếc càng ngoại cỡ
của cua đực còn mang lại một trở ngại: Nó tương đối vô dụng đối với việc
ăn uống và là một dấu hiệu khiến "chàng" của kéo đàn dễ bị lộ trước các động vật ăn thịt.
Chim công đực
Với một cái đuôi có chiều rộng hơn 2,4
mét và chứa hơn 200 lông, con công đực trông như vũ công rực rỡ của thế
giới động vật. Theo các nhà khoa học, những con công đực sở hữu các mắt
màu xanh xanh nhất trên đuôi của chúng được cho là khỏe mạnh nhất. Tất
nhiên, cái đuôi sặc sỡ cũng đem lại một bất lợi. Khi con công có quá
nhiều mảng ghép ở phần đuôi, nó sẽ gặp chút rắc rối khi cất cánh bay. Và
đây chính là thách thức đối với con công đực đỏm dáng khi chạy trốn
những kẻ săn mồi.
Hổ trắng Bengal
Màu trắng bất thường trên lớp lông của
các con hổ Bengal do một gen đột biến gây ra. Mặc dù đặc điểm này không
có hại cho sức khỏe của các con hổ nhưng ảnh hưởng đến khả năng sinh tồn
của chúng. Màu trắng không mấy lý tưởng khi trộn lẫn trong rừng. Vì
vậy, hổ trắng Bengal dễ bị phát hiện khi di chuyển và lời khuyên dành
cho loài sinh vật này là chúng cần có kỹ năng ngụy trang càng sớm càng
tốt.
Sư tử đực
Đối với một con sư tử đực, bờm bao phủ
quanh đầu nó không nên quá lớn hoặc quá tối. Bờm của sư tử đực đóng vai
trò như vật hấp dẫn các con cái. Bờm càng ngăm đen càng tốt vì nó cho
thấy con sư tử được thư giãn, ăn uống tốt hơn và có ít ký sinh trùng
hơn. Tuy nhiên, bờm sẫm màu hơn cũng thu hút ánh nắng mặt trời nhiều
hơn, làm cho nhiệt độ cơ thể của sư tử đực tăng cao và số lượng tinh
trùng của nó giảm mạnh.
Cá bảy màu đực
Mặc dù chỉ sở hữu chiều dài cơ thể một
vài cm nhưng các con cá bảy màu đực có lớp áo khoác thời trang khá sặc
sỡ, với những vết đốm, chấm và sọc đủ màu sắc của cầu vồng. Đây chính là
một đặc điểm quan trọng để tạo ra sức hấp dẫn trước các con cá cái,
nhưng cũng đồng thời là dấu hiệu thu hút sự chú ý của những động vật ăn
thịt, gây nguy hiểm đến tính mạng của các "chàng" cá bảy màu.
Lợn Babirusa (lợn hươu)
Có nguồn gốc từ đảo Sulawesi của
Indonesia, lợn Babirusa trông hơi giống sản phẩm kết hợp, với răng nanh
phát triển đâm xuyên qua vòm mõm của nó. Những chiếc răng nanh mọc khác
thường này không chỉ khiến bộ dạng lợn Babirusa trông kỳ dị mà còn gây
nguy hiểm cho chính sự sinh tồn của nó. Nếu những chiếc răng tiếp tục
phát triển, chúng có thể uốn cong trở lại và đâm ngập vào não của lợn.
Đúng là "gậy ông lại đập lưng ông"!
Hươu đực
Các con hươu đực sở hữu một bộ gạc có thể
lên tới hơn 2 mét chiều rộng và nặng trên dưới 36kg. Đây quả là một vật
trang trí ấn tượng trên đầu. Trong mùa giao phối, hươu đực sẽ sử dụng
bộ gạc của nó để tham gia cuộc tỉ thí giành bạn tình với các con đực
khác cùng loài. Tuy nhiên, hành động này có thể khiến các "chàng" hươu dễ bị ngoắc gạc vào nhau, khó gỡ ra để tẩu thoát trước những kẻ săn mồi hoặc có thể bị đói.