Cao Đình Hùng từng được biết đến với thành công ở
phương pháp nhân bản vô tính bằng hạt giống nhân tạo để sản xuất cây
bạch đàn hay cây gụ có nguồn gốc từ châu Phi. Mới đây, anh hoàn thành
nghiên cứu mới khi đưa ra cách nhân bản vô tính cây bạch đàn bằng phương
thức cắt đốt. Đây là kết quả của gần 3 năm nghiên cứu trong phòng thí
nghiệm ở ĐH Sunshine Coast (Australia) của anh cùng sự trợ giúp của Phó
Giáo sư tiến sĩ Stephen Trueman.
Công trình nhân bản theo phướng pháp mới của anh được giới thiệu trên tạp chí chuyên ngành Plant Cell, Tissue and Organ Culture của Hà Lan.
|
Các công trình nghiên cứu của Đình Hùng đã được nhiều tạp chí chuyên ngành trên thế giới đánh giá cao. Ảnh: Hải Duyên. |
Nếu như ở phương pháp nhân bản bằng hạt nhân tạo phải
thực hiện các phương pháp để tạo ra một lớp vỏ bên ngoài và một lớp nội
nhũ bên trong giống như hạt thật, thì ở phương pháp cắt đốt đơn giản và
tiết kiệm hơn nhiều. Sau khi hạt lai được nuôi trong ống nghiệm thành
cây non có khoảng 4 - 6 đốt, mỗi cây non được cắt thành 4 - 6 đoạn riêng
lẻ, mỗi đoạn chứa một đốt. Mỗi đốt sẽ tạo thành một cây bạch đàn hoàn
chỉnh (có thân lá và rễ) và đưa ra trồng ngoài tự nhiên.
Nếu muốn tạo ra vô số cây trước khi đưa ra trồng rừng
thì cứ lặp lại chu trình như thế (mỗi chu trình kéo dài 4 tuần) cho đến
khi có đủ số lượng mong muốn. Đây là phương thức nhân bản vô tính cực kỳ
đơn giản và hiệu quả.
"Lâu nay ít ai biết được rằng cây bạch đàn có thể được
sản xuất theo con đường này, bởi vì phương thức cắt đốt thường được áp
dụng cho những cây có lóng như mía, sắn, tre... còn cây bạch đàn thì
không có lóng. Đặc biệt, cây bạch đàn thuộc loại cây thân gỗ, mà việc
nhân bản vô tính cây thân gỗ thì luôn luôn khó thành công hơn nhiều so
với cây thân thảo", Hùng nói.
|
Những cây bạch đàn non được nhân bản theo phương pháp cắt đốt. Ảnh đăng trên tạp chí Plant Cell, Tissue and Organ Culture. |
Nhà khoa học trẻ cho biết, loại cây mà anh thử nghiệm
thành công là cây bạch đàn lai (có tên khoa học Corymbia torelliana x C.
citriodora) cho năng suất cao, tăng trưởng nhanh, chống chịu tốt với
sâu bệnh và khí hậu khắc nghiệt. Chúng cung cấp một nguồn gỗ có chất
lượng cao, dùng để xây dựng, làm giấy, trang trí nội thất, hoặc sản xuất
tinh dầu từ lá...
Cây bạch đàn lai (F1) này hiện đang được trồng thử
nghiệm tại một số vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới ở Australia. Khả năng
sinh trưởng và tính chống chịu của chúng đã thể hiện sự vượt trội so với
các giống cây bạch đàn bố và mẹ. Ở Việt Nam, xưa nay có rất nhiều giống
bạch đàn du nhập từ Australia, và sinh trưởng tương đối tốt ở các vùng
nhiệt đới ở miền Bắc và Trung. Nghiên cứu sinh người Việt này cho rằng,
với những ưu điểm trên, cây bạch đàn lai này hoàn toàn có thể thích nghi
với điều kiện tự nhiên và nhân rộng thành những cánh rừng ở Việt Nam.
Nó không chỉ có giá trị kinh tế mà còn có ý nghĩa về khoa học, bảo vệ
rừng...chống xói mòn trước nguy cơ tàn phá rừng như hiện nay.
Hiện trên thế giới đã có hàng chục công trình khoa học
về nhân bản vô tính các cây bạch đàn. Nhưng nhân bản theo phương pháp
cắt đốt là công trình đầu tiên trên thế giới để sản xuất giống cây bạch
đàn một cách đơn giản nhất nên giảm được chi phí sản xuất, cũng như giá
thành của cây giống.
Australia là nước có số loài cây bạch đàn lớn nhất thế
giới (trên 700 loài). Bạch đàn cũng được xem cây biểu tượng của đất
nước chuột túi. Các nhà khoa học Australia đánh giá cây bạch đàn lai
Corymbia torelliana x C. citriodora là một trong những giống cây có tiềm
năng kinh tế quan trọng bậc nhất trên thế giới.
Cao Đình Hùng sinh ngày 5/11/1974 tại Thừa Thiên Huế.
Anh đã tốt nghiệp cùng lúc 2 đại học chuyên ngành Sinh học là ĐH Khoa
học Huế (loại giỏi) và Chuyên ngành Ngoại ngữ tại ĐH Sư phạm Huế.
Sau tốt nghiệp, anh làm nghiên cứu khoa học tại viện
Sinh học Tây Nguyên kết hợp giảng dạy đại học. Được chính phủ Australia
cấp học bổng du học, anh đã hoàn tất chương trình thạc sĩ tại ĐH Công
nghệ Sydney với hạng ưu. Trước đó, anh cũng đã hoàn tất một chương trình
thạc sĩ khác ở trong nước với kết quả "đặt cách" (tức là bảng điểm thạc
sĩ không có môn nào dưới 8).
Tháng 6 vừa qua, anh hoàn thành chương trình tiến sĩ
tại ĐH Sunshine Coats (Australia). Trong thời gian theo học và nghiên
cứu tại đây, nhà nghiên cứu trẻ người Việt có những công trình đột phá
trong lĩnh vực lâm nghiệp được báo chí Australia cũng như các tạp chí
chuyên ngành trên thế giới ca ngợi. Anh không chỉ được sinh viên Việt
Nam tại Australia, mà cả sinh viên bản địa biết đến. |