| Một nông dân cuốc đất tại Malawi. Ảnh: guardian.co.uk. |
AP cho biết, FAO vừa hoàn thành quá trình đánh giá thực trạng tài nguyên đất đầu tiên trên quy mô toàn cầu. Kết quả đánh giá được công bố trong một bản báo cáo hôm qua. Báo cáo cho biết, 25% diện tích đất trên thế giới đang “thoái hóa nghiêm trọng” – với nhiều biểu hiện như xói mòn, thiếu nước và suy giảm mức độ đa dạng sinh học. Khoảng 8% diện tích đất bị thoái hóa ở mức vừa phải, 36% bị thoái hóa nhẹ hoặc ổn định. Diện tích đất được cải thiện chất lượng chỉ chiếm 10%. FAO nhận định rằng tới năm 2050, lượng lương thực phải tăng thêm 70% so với mức hiện nay để đáp ứng nhu cầu của dân số (được dự đoán sẽ tăng lên 9 tỷ người). Điều đó có nghĩa là nông dân sẽ phải sản xuất thêm một tỷ tấn lúa mì, gạo và các ngũ cốc khác. Họ cũng phải sản xuất thêm 200 triệu tấn thịt bò và các loại thịt khác. Hiện nay phần lớn đất mà con người có thể tiếp cận đã được sử dụng để trồng trọt hoặc chăn nuôi. Nhưng các biện pháp canh tác hiện nay thường dẫn tới tình trạng xói mòn đất và lãng phí nước khiến năng suất cây trồng giảm. Với thực trạng đó, thế giới sẽ phải thực hiện các biện pháp nhằm làm tăng năng suất cây trồng một cách mạnh mẽ và bền vững trên diện tích đất hiện nay để đáp ứng nhau cầu lương thực của nhân loại. Ông Jacques Diouf, tổng giám đốc của FAO, bình luận rằng việc trồng cây lương thực để sản xuất nhiên liệu sinh học, biến đối khí hậu và những biện pháp canh tác đơn giản đang làm tăng nguy cơ thiếu lương thực trong tương lai. “Các hành động phòng ngừa cần phải được thực hiện ngay từ bây giờ”, ông Diouf phát biểu. |