| Một con khỉ mũi hếch được chụp bởi bẫy ảnh tại Myanmar. Ảnh: FFI/BANCA/PRCF. |
Năm 2010 các nhà linh trưởng của Tổ chức Bảo tồn Thực vật Quốc tế (FFI), Hiệp hội Bảo tồn Đa dạng sinh học và Tự nhiên (BANCA), Hiệp hội Bảo tồn và Nhân lực (PRCF) phát hiện sự tồn tại của loài khỉ mũi hếch (Rhinopithecus strykeri) tại bang Kachin ở phía bắc Myanmar nhờ một thợ săn địa phương. Người này mô tả khỉ mũi hếch dựa theo một xác khỉ mà ông nhặt trong rừng. Cơ thể khỉ mũi hếch được bao phủ gần như hoàn toàn bởi bộ lông màu đen, nhưng các khóm lông màu trắng lại mọc trên cằm và tai. Chiều cao của chúng vào khoảng 60 cm và đuôi dài hơn thân. Khỉ mũi hếch không có sống mũi song lại có cặp môi rất dày. Do thiếu sống mũi nên hai lỗ mũi của khỉ hướng lên phía trên khiến nước mưa rất dễ lọt vào và gây hiện tượng hắt hơi. Những cánh rừng mà khỉ mũi hếch Myanmar sinh sống có độ cao tới 3.000 m. Newscientist cho biết, những bức ảnh đầu tiên về khỉ mũi hếch sống được chụp bởi các bẫy ảnh gắn kèm với cảm biến hồng ngoại trong các khu rừng trên núi ở bang Kachin, Myanmar. Khi một con vật tới gần cảm biến hồng ngoại, chúng sẽ tự động kích hoạt máy ảnh. “Chúng tôi rất ngạc nhiên khi thu được những bức ảnh đó. Những con khỉ cái mang thai hiện ra trong các ảnh. Những bào thai ấy sẽ trở thành một thế hệ mới của một trong những loài động vật linh trưởng hiếm nhất”, Saw Soe Aung, một nhà sinh học tham gia chiến dịch đặt bẫy ảnh, phát biểu. Nạn săn bắn bừa bãi và sự thu hẹp môi trường sống khiến khỉ mũi hếch có thể được đưa vào danh sách những loài có nguy cơ tuyệt chủng cao của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) trong tương lai gần. Các nhà khoa học cho rằng số lượng khỉ mũi hếch tại Myanmar hiện nay không vượt quá 300 con. Ngoài khỉ mũi hếch, những bẫy ảnh tại Myanmar còn chụp được nhiều động vật quý hiếm khác - như gấu trúc lông đỏ, mèo gấm, gấu Mã Lai. |