Ngôi sao có ký hiệu là SN UDS10Wil được giới thiên văn học đánh giá rất cao, vì ánh sáng của chúng có thể sử dụng để đo khoảng cách vũ trụ, và cho biết các manh mối về bản chất của năng lượng tối hay lực bí ẩn đẩy nhanh tốc độ mở rộng của vũ trụ.
Hình ảnh kính viễn vọng không gian Hubble vừa chụp được. (Ảnh: NASA)
Bên cạnh đó, do cách trái đất quá xa, hình ảnh cuối cùng của ngôi sao này trước khi nổ tung phải mất 10 tỷ năm mới truyền tới hành tinh chúng ta, vì thế bức hình do kính viễn vọng Hubble ghi lại còn giúp con người cái nhìn hoàn hảo về quá khứ khi trái đất chưa có sự sống.
David Jones, nhà thiên văn học từ Đại học Johns Hopkins, bang Maryland, Mỹ cho hay:"Khoảng cách kỷ lục trên sẽ hé mở bí ẩn của vũ trụ sơ khai, cung cấp hiểu biết mới quan trọng về cách các ngôi sao hình thành. Từ đó con người có thể kiểm tra giả thuyết về những vụ nổ có đáng tin cậy, để tìm hiểu sự tiến hóa và mở rộng của vũ trụ hay không".
Tuy nhiên, đó là lĩnh vực chưa được khoa học khám phá đầy đủ. Jens Hjorth của trung tâm nghiên cứu bóng tối vũ trụ, thuộc Viện Niels Bohr, Đại học Copenhagen nói: "Kết quả là một bước tiến thực sự thú vị trong nghiên cứu của chúng tôi về các ngôi sao và khoảng cách vũ trụ. Chúng ta có thể bắt đầu khám phá và tìm hiểu các ngôi sao gây ra vụ nổ mạnh mẽ trong vũ trụ".
Kết quả của nhóm nghiên cứu sẽ được xuất bản vào ngày 10/5 trên tạp chí The Astrophysical.